Lần đầu tiên trong 80 năm, Mỹ có dưới 400 giàn khoan dầu hoạt động
Chỉ trong tuần qua, 34 giàn khoan đã phải ngừng hoạt động, đưa số giàn khoan còn hoạt động trong các mỏ dầu khí Mỹ giảm xuống chỉ còn 374. Hoạt động thăm dò dầu thô chưa bao giờ lặng lẽ đến vậy trong cả thập kỷ qua, kể từ khi cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ bùng nổ. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1940 đến nay, số giàn khoan hoạt động tại Mỹ giảm xuống dưới con số 400.
Công cụ theo dõi hoạt động khai thác giàn khoan của Baker Hughes từ lâu đã được xem như một thước đo quan trọng của ngành công nghiệp dầu mỏ trong nhiều thập kỷ, do mối tương quan chặt chẽ giữa hoạt động giàn khoan với sản lượng dầu thô. Ước tính, trong tháng 4, sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm mạnh 1,2 triệu thùng/ ngày từ mức kỷ lục 13,1 triệu thùng/ ngày hồi trung tuần tháng 3.
Các công ty năng lượng Mỹ thậm chí đang xem xét cắt giảm mạnh sản lượng dầu dù Mỹ không nằm trong thỏa thuận cắt giảm tới 9,7 triệu thùng dầu của OPEC+. Mức giảm giá mạnh trên thị trường dầu thô đã buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí sản xuất, sạ thải lao động, thậm chí đóng cửa giàn khoan. Dữ liệu được công bố bởi Baker Hughes Co. hôm 8/5 cho thấy khoảng 53% các giàn khoan dầu khí Mỹ đang hoạt động cầm chừng.
CEO EOG Resources Inc., ông Bill Thomas nhận định đây là sự suy thoái chưa từng có trên thị trường năng lượng. “Hoạt động sản xuất dầu đang suy giảm nghiêm trọng và có thể phải mất nhiều năm để phục hồi trở lại. Chúng tôi tin rằng kỳ tích tăng trưởng lĩnh vực dầu đá phiến Mỹ có thể sẽ bị thay đổi vĩnh viễn.”
Từ đầu năm 2020 đến nay, hợp đồng tương lai dầu WTI đã giảm 63% từ mức đỉnh 65,65 USD/ thùng hồi đầu tháng 1. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã giáng đòn mạnh mẽ vào nhu cầu dầu thế giới đúng thời điểm thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ hết hạn và Nga từ chối ký thêm thỏa thuận tiếp theo. Cuộc chiến giá dầu bùng nổ giữa Nga - Saudi Arabia cùng tình huống các kho dự trữ dầu toàn cầu sắp tràn đã đẩy giá dầu WTI giao tháng 5 xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử, khiến thị trường ngỡ ngàng.
Thực tế, nhu cầu dầu toàn cầu đã giảm mạnh từ tháng 2/2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới khiến chính phủ Bắc Kinh phải phong tỏa nhiều tỉnh thành, hạn chế giao thông và tạm đóng cửa nhiều doanh nghiệp. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc bắt đầu dỡ bỏ lệnh hạn chế kiểm dịch, việc đại dịch tấn công nhiều nền kinh tế lớn Châu Âu và Mỹ vẫn để lại cú sốc cầu mạnh mẽ cho thị trường dầu mỏ.
Khi giá dầu chìm sâu do sức ép từ cả phía cung và cầu, một số quốc gia Châu Á, nổi bật là Trung Quốc đang tận dụng cơ hội để tăng cường nhập khẩu dầu cho kho dự trữ dầu quốc gia. Nước này được cho là quốc gia có kho dự trữ dầu lớn nhất Châu Á, ước tính khoảng 550 triệu thùng dầu. Hồi tháng 4, Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải đã chấp thuận cho 1 kho dự trữ dầu khí sở hữu nhà nước là Sinopec nhập khẩu thêm dầu trong bối cảnh giá dầu chạm đáy, do “lượng dự trữ dầu chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế “90 ngày an toàn” - tức lượng dầu trong kho chưa đạt tới khối lượng nhập khẩu ròng của 90 ngày để đảm bảo an ninh năng lượng.