Làn sóng giảm lãi suất cho vay: Chỉ là ngắn hạn?
Kể từ ngày 1/8, một loạt ngân hàng thương mại (NHTM) đã hạ lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ cao…
Nhiều ngân hàng nhập cuộc giảm lãi suất
Cụ thể, ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và start-up... Mức giảm lãi suất được áp dụng cho khách hàng đang có khoản vay và cả khách hàng vay mới tại Vietcombank.
Theo lãnh đạo Vietcombank, việc giảm lãi suất lần này được triển khai trên phạm vi rộng với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn hiện hành và chiếm gần 20% tổng dư nợ cho vay nội tệ hiện hữu của Ngân hàng.
Ngoài Vietcombank, 3 ngân hàng thương mại nhà nước là Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển VN (Agribank) cũng thông báo giảm lãi suất ngay từ đầu tháng 8 này.
Trong đó, VietinBank giảm 0,5%/năm mức sàn lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với các nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
BIDV giảm trần lãi suất cho vay xuống 5,5%/năm đối với 3 nhóm khách hàng ưu tiên, mức này giảm 0,5%/năm và thấp hơn 1%/năm so với quy định. Bên cạnh đó, BIDV còn triển khai 2 gói tín dụng quy mô 70.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 0,5%/năm so với hiện nay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Doanh nghiệp siêu nhỏ, start-up cũng được ngân hàng này tung ra gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi tối đa 6%/năm.
Không chỉ có 4 ngân hàng TMCP Nhà nước, một số NHTM cổ phần cũng gia nhập cuộc giảm lãi vay cho doanh nghiệp.
VPBank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các SME có nhu cầu vay để bổ sung vốn lưu động. Theo đó, khách hàng sẽ được giảm 1%/năm lãi suất với các khoản vay tín chấp và 0,5%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm.
Ðối tượng được hưởng chính sách là các SME hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật và VPBank.
Hay như Techcombank của ông Hồ Hùng Anh cũng áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ cho khối SME với mức giảm khoảng 0,5% so với mức hiện nay. Như vậy, sau khi hạ lãi suất, từ ngày 1/8 đến ngày 31/12, mức lãi suất cho vay mới của ngân hàng này bình quân khoảng 7,5%/năm.
Đây là lần giảm lãi suất cho vay VND lần thứ hai trong năm nay. Trước đó, hồi đầu năm chỉ có 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay VND với doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên. So với mức trần lãi suất mà NHNN đưa ra với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, mức lãi suất nhóm ngân hàng trên đưa ra thấp hơn 1%/năm.
Cần giải pháp dài hơi hỗ trợ doanh nghiệp
Theo đại diện của các NHTM nhà nước, việc giảm lãi suất nói trên nhằm hưởng ứng Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ và định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Việc giảm lãi suất lần này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các ngành nghề Chính phủ ưu tiên phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm nay.
Ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối SME tại VPBank chia sẻ thêm, đối với các NH quốc doanh việc giảm lãi suất dễ dàng hơn so với khối NHTM cổ phần bởi các NHTM cổ phần quy mô nhỏ hơn, số lượng khách hàng nhỏ hơn nhưng lãi suất đầu vào lớn hơn.
“Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản NHTM cổ phần giảm lãi suất cho doanh nghiệp”, ông Hưng nhấn mạnh.
Ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối SME (VPBank)
Ông Hưng phân tích, theo định hướng của Chính phủ và NHNN là mặt bằng lãi suất phải giảm. Mới đây nhất là việc NHNN giảm lãi suất nguồn từ 3% xuống còn 2,75% là một trong số những giải pháp đó.
Theo ông Đào Gia Hưng, việc các ngân hàng tuân thủ theo chỉ đạo điều hành là đúng nhưng bên cạnh đó các NHTM phải tính toán dựa trên bài toán kinh doanh của các ngân hàng.
Đơn cử như tại VPBank, đối tượng được hưởng chính sách giảm lãi vay của VPBank lần này là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đây là nhóm đối tượng mang lại nhiều nguồn lợi cho ngân hàng nên việc giảm lãi suất cũng sẽ giúp VPBank thu hút khách hàng là các doanh nghiệp xuất nhập khẩ và tăng thêm tỷ trọng doanh nghiệp XNK trong cơ cấu cho vay của ngân hàng. “Vì vậy, việc giảm lãi suất này sẽ không ảnh hưởng đến ngân hàng”, vị này khẳng định.
TS. Đỗ Hoài Linh
Nhìn nhận về vấn đề này, TS.Đỗ Hoài Linh, chuyên gia tài chính ngân hàng (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng thừa nhận, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng chỉ áp dụng với các danh mục thuộc diện ưu tiên, đặc biệt với doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp khởi nghiệp.... và thực hiện đến hết năm 2019 và có sự chọn lọc đối tượng theo từng tiêu chí của các NHTM đưa ra. Điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến bức tranh lợi nhuận của ngân hàng. Đặc biệt khi báo tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất lần này đều có kết quả ấn tượng.
Bà Linh cũng cho rằng, việc giảm lãi suất lần này là sự chủ động của ngân hàng nhưng chỉ mang tính ngắn hạn. Do đó cũng khó ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất cho vay chung của toàn thị trường
“Tuy nhiên, việc hỗ trợ doanh nghiệp cần đồng bộ từ hệ thống pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước, sự liên kết chặt chẽ giữa các "nhà", chứ không chỉ dừng ở nhà băng. Ngoài ra, sự hỗ trợ phải mang tính dài hạn để các lĩnh vực ưu tiên được phát triển mạnh và vững, từ đó họ mới phát huy được hiệu quả và đóng góp được với sự phát triển kinh tế và xã hội”, TS. Đỗ Hoài Linh khuyến nghị.