“Lên đời” hộ kinh doanh: Cần theo tư duy thị trường
Nhiều bất cập tồn tại cùng tư duy phân biệt giữa hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp (DN) dễ dẫn tới sự chuyển đổi khiên cưỡng. Điều này không những làm khó cho người kinh doanh, mà còn khiến các cơ quan nhà nước lúng túng.
Hiện nay, tổng số hộ kinh doanh đang tồn tại ước đạt khoảng 5 triệu hộ, trong đó có khoảng 1,6 triệu hộ có đăng ký kinh doanh và 3,4 triệu hộ không có đăng ký kinh doanh, tức là gần như hoạt động ngoài vòng pháp luật xét về mặt pháp lý.
“Nếu chiểu theo Luật, rất có thể chúng tôi bị quy là đang thu thuế cả đối tượng vi phạm pháp luật khi thu thuế từ những hộ kinh doanh này”, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục Thuế) chia sẻ tại tọa đàm Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật DN vừa diễn ra mới đây.
Lý do, theo bà Lan, là vì quy định về hộ kinh doanh không thống nhất và thiếu sự rõ ràng về khái niệm, dẫn tới vướng mắc và "vênh" về mặt pháp lý, gây khó khăn cho người kinh doanh và cơ quan thuế, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước khác. Hơn nữa, khái niệm "hộ kinh doanh" không tương thích với thông lệ quốc tế, nên ngành thuế phải "vất vả" khi giải thích về khái niệm này trong các văn bản pháp lý.
Bên cạnh đó, chính tư duy phân biệt hộ kinh doanh và DN tại các quy định pháp lý đã tạo ra sự bất bình đẳng, cho dù bản chất hoạt động là như nhau. LS. Trương Thanh Ðức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết, hiện pháp luật không yêu cầu phân biệt về quy mô vốn, doanh thu và lợi nhuận giữa hộ kinh doanh và DN, trong khi ngoài số lượng lao động thì doanh thu và nguồn vốn là tiêu chí quan trọng để phân loại giữa DN lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017.
Ðã đến lúc cần đưa hộ kinh doanh về đúng bản chất là tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, tức là tương đương với DN hay chí ít thì cũng là DN siêu nhỏ.
“Một DN có doanh thu chỉ vài chục hay vài trăm triệu/năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách, hoá đơn, chứng từ kế toán DN. Nhưng một hộ kinh doanh bán buôn, doanh thu có thể tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng lại chỉ tính theo thuế khoán, chế độ kế toán chứng từ hoá đơn cũng không theo quy định...
Ðó là những bất cập”, ông Ðức nêu ví dụ và cho biết, đó là chưa kể những phân biệt trong giới hạn thành viên giữa hộ kinh doanh và DN, thu thuế phí cũng áp dụng các chính sách phân biệt giữa 2 loại hình, trong khi bản chất là như nhau về hoạt động.
“Ðã đến lúc cần đưa hộ kinh doanh về đúng bản chất là tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, tức là tương đương với DN hay chí ít thì cũng là DN siêu nhỏ”, ông Ðức nói.
Bàn về câu chuyện nên đưa hộ kinh doanh vào Luật DN sửa đổi để chính thức hóa khái niệm đối tượng này, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, song theo các chuyên gia luật, mục đích cuối cùng vẫn là cần tạo khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh, cũng như đảm bảo sự bình đẳng của hộ kinh doanh về pháp lý với các loại hình DN khác.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình của Economica Vietnam cho rằng, cần phải có các bước đi phù hợp chứ không phải gượng ép chuyển đổi một cách khiên cưỡng bằng cách ngay lập tức chính thức hóa hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Việc chính thức hóa và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh sẽ đòi hỏi các sửa đổi khác của Luật DN, cộng với một lộ trình hợp lý nhằm bắt buộc với một số đối tượng hộ kinh doanh cá thể, đồng thời giảm chi phí tuân thủ, nâng cao các lợi ích và khiến các hộ kinh doanh có thể thấy rõ lợi ích so với chi phí khi đăng ký theo Luật DN, hơn là đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh.
Còn theo LS. Trương Thanh Ðức, câu chuyện không phải lựa chọn chuyển hay không chuyển đổi, mà phải thừa nhận 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh là DN, tức đã đạt đến một quy mô nhất định là DN.
Còn đối với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại, vì quy mô nhỏ, vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký kinh doanh, thì cũng không yêu cầu phải đăng ký kinh doanh và không đặt vấn đề phải nâng lên thành DN. Theo đề xuất của LS. Ðức, cần có quy định theo lộ trình tăng dần yêu cầu mỗi năm khoảng 10% trong khoảng 10 năm để không còn khoảng cách giữa hộ kinh doanh với DN, ít nhất là DN siêu nhỏ.
“Cần bảo đảm cho hộ kinh doanh vẫn thực hiện nghĩa vụ như hiện nay, ngoại trừ những gì tốt hơn, gia tăng quyền lợi hơn. Không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành DN phải sống và khó sống như DN siêu nhỏ hiện nay, mà phải làm cho các DN siêu nhỏ dễ sống như hộ kinh doanh. Nếu không nâng được chuẩn hộ kinh doanh lên thì buộc phải hạ chuẩn DN siêu nhỏ xuống”, LS. Ðức khuyến nghị.