Lên mạng kêu gọi, cố tình không bán khẩu trang sẽ bị tịch thu chứng chỉ hành nghề?
Theo thông tin từ Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), hôm qua 2/2 đơn vị này đã kiểm tra, xử lý 1.136 vụ vi phạm về giá tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, nhà thuốc trên toàn quốc, thu giữ gần 313.750 khẩu trang các loại.
Từ ngày 1 - 3/2, đã có 1.221 vụ vi phạm về giá bán khẩu trang của các nhà thuốc bị xử lý, tạm giữ gần 318.620 chiếc khẩu trang. Theo Tổng cục Quản lý thị trường hiện tượng thiếu hàng, tăng giá bán mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, găng tay y tế... xảy ra tại nhiều địa phương.
Trước đó, khi dịch viêm phổi do virus Corona bắt đầu bùng phát, khẩu trang, nước sát khuẩn là hai mặt hàng bắt đầu lên cơn sốt. Vì thế, ở nhiều địa phương mặt hàng này bị đẩy giá lên gấp nhiều lần. Giá hộp khẩu trang được niêm yết bán giá 50.000 đồng/hộp 50 chiếc thì bị đẩy lên 200.000 đồng, 350.000 đồng, thậm chí có nơi bán tới 600.000 đồng/hộp.
Việc tiến hành xử lý các cửa hàng thuốc kinh doanh thiết bị y tế có hành vi "hét" giá khẩu trang được sự ủng hộ của dư luận. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ các cửa hàng thuốc bày tỏ thái độ tiêu cực, chống đối khi treo biển "không bán khẩu trang".
Cụ thể, vào sáng 3/2 nhiều quầy hàng tại chợ thuốc Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) đồng loạt treo biển "không còn khẩu trang, nước sát khuẩn bán". Nhiều khách hàng khi đến các quầy thuốc này hỏi mua khẩu trang thì nhân viên tại đây đều né, trả lời mà chỉ vào biển: "Không bán khẩu trang, miễn hỏi".
Thậm chí, nhiều dược sĩ lên mạng xã hội kêu gọi mọi người không bán khẩu trang vì "mệt mỏi"! Cụ thể, tại một nhóm kinh doanh của chợ thuốc Hapulico có tên: "Chợ thuốc Hapulico Hà Nội" trên Facebook, một thành viên có tên Nguyễn Kim Dung đã đăng dòng trạng thái kêu gọi các nhà thuốc "đồng lòng" không bán khẩu trang.
Dưới đây là dòng trạng thái được rất nhiều người trong nhóm này hưởng ứng: "Em xin có ý kiến, tất cả nhà thuốc chúng ta liên kết, đoàn kết không nhập khẩu trang và cũng không bán khẩu trang nữa. Việc đó giờ có nhà nước lo, miễn phí hay bán giá trước thì nhà em không làm được rồi. Còn dân tự đi mua hay xếp hàng nhận được 2 cái khẩu rang free thì kệ họ, việc của chúng ta là bán thuốc...Vậy nên chúng ta chung sức không nhập, không bán nhé. Hiện tại cũng 70% các nhà không nhập, 10% bán, 10% phát free. Em mệt mỏi với các vụ này lắm rồi..."
Trao đổi về các trường hợp tại chợ thuốc, trên báo chí ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra các nhà thuốc, cửa hàng bán vật tư y tế treo biển cố tình không bán khẩu trang, nước sát khuẩn... "Trường hợp phát hiện trong kho vẫn còn hàng nhưng nhà thuốc treo biển không bán là cố tình găm hàng và sẽ bị xử theo quy định pháp luật", ông Kiên nói.
Ông cho biết thêm, trường hợp kêu gọi "không nhập hàng, bán khẩu trang" trên hội nhóm cũng sẽ được cơ quan này phối hợp với công an để kiểm tra, xem xét.
Bình luận về việc làm này của các cửa hàng thuốc, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: "Đến thời điểm hiện tại có lẽ những đối tượng bày tỏ thái độ chống đối không bán khẩu trang vẫn chưa hiểu vì sao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các cơ quan ban ngành vào cuộc xử lý, niêm phong các cửa hàng tự ý hét giá các mặt hàng này. Vì thế họ mới lên mạng xã hội phát ngôn, kêu gọi như vậy".
Vị luật sư này cho biết, tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp người hành nghề dược được quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dược do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Nội vụ ban hành như sau: Tận tụy vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân...
Tại Điều 31 Luật Dược quy định nghĩa vụ của người hành nghề dược: Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược...Nếu ai vi phạm sẽ bị tịch thu Chứng chỉ hành nghề và đương nhiên đóng cửa nhà thuốc do đó chỉ đạo của Phó Thủ tướng là đúng với quy định pháp luật.
Đồng thời, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật giá đều xem hành vi lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh trục lợi đều là hành vi vi phạm và tình tiết tăng nặng. Luật hình sự cũng xem hành vi này là Tội đầu cơ.
"Khi bạn ném một nắm bùn vào người khác thì tay bạn sẽ dính bùn đầu tiên. Khi bạn tặng một bông hoa hồng cho người khác thì hương thơm và tình yêu sẽ lan tỏa trong con người bạn. Việc bán khẩu trang giữa đại dịch Corona cũng thế. Nếu bạn bán đúng giá tâm hồn bạn sẽ thanh thản và việc làm của bạn góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng đó là đạo đức của người hành nghề dược", ông Bình nói.