Lỗ luỹ kế trăm tỷ, ING muốn vay 2.500 tỷ của Him Lam để bổ sung vốn
Thông qua việc vay vốn với hạn mức tối đa 2.520 tỷ đồng từ Công ty CP Him Lam
Theo thông báo của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng (Investco - Mã: ING) ngày 24/12, HĐQT ING đã thông qua việc vay vốn với hạn mức tối đa 2.520 tỷ đồng từ Công ty CP Him Lam để bổ sung vốn lưu động. Lãi suất vay là 12,1%/năm.
Tổng giám đốc Phan Văn Danh được ủy quyền quyết định các vấn đề liên quan đến thương thảo hợp đồng, các vấn đề liên quan cho đến khi hoàn tất ký kết hợp đồng và các giấy tờ liên quan.
Đối với thông tin vay vốn bổ sung này, ngày 25/12 ING đã phải giải trình về việc công bố chậm. Theo ING, do sơ suất trong công tác phối hợp cung cấp thông tin để thực hiện nghĩa vụ công bố theo quy định giữa các phòng ban, dẫn đến việc công bố thông tin Nghị quyết số 01/11/2024/NQ-HĐQT bị chậm.
ING tiền thân là một chi nhánh trực thuộc Tổng công ty xây dựng Hà Nội và sau đó được thành lập từ năm 1996. Trụ sở chính của Công ty tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Công ty xây dựng này được cổ phần hóa năm 2005, vốn điều lệ hiện tại là 208 tỷ đồng. Tổng số nhân viên của Công ty hiện chỉ còn 10 người. Toàn bộ 4 xí nghiệp xây dựng và thi công ở thành phố Hồ Chí Minh đều đã ngưng hoạt động kể từ 2012.
Hoạt động kinh doanh của ING trong những năm gần đây khá ảm đạm. Công ty chỉ phát sinh doanh thu hơn 17 tỷ đồng năm 2020 và hơn 5 tỷ đồng năm 2023. Các năm 2021, 2022 và 9 tháng đầu năm nay không có doanh thu.
Chỉ tiêu lợi nhuận cũng diễn biến tiêu cực với việc lỗ trong 2 năm gần nhất và lỗ thêm 5 tỷ đồng sau 3 quý đầu năm. Tổng lỗ lũy kế tính đến tháng 9 đã vượt 286 tỷ đồng và làm âm vốn chủ sở hữu 26,6 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Investco theo báo cáo Quý III/2024 chỉ hơn 2.850 tỷ đồng, phần lớn là chi phí sản xuất dở dang dài hạn (2.535 tỷ đồng), lượng tiền mặt chỉ hơn 1,8 tỷ đồng.
Theo báo cáo đến 17/10, công ty có 4 cổ đông lớn nắm giữ đến 93,31% số cổ phần có quyền biểu quyết, do đó đã không còn đáp ứng được điều kiện là công ty đại chúng (theo quy định các cổ đông nhỏ lẻ phải nắm giữ hơn 10% vốn).
Tháng 11/2024, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước có văn bản nêu ý kiến về đề nghị hủy tư cách đại chúng của ING. Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 38 Luật Chứng khoán 2019, sau 1 năm kể từ ngày Công ty không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng (17/10), và trên cơ sở báo cáo về điều kiện công ty đại chúng của Công ty tại thời điểm đó, UBCKNN sẽ xem xét hủy tư cách đại chúng của Công ty theo quy định.
Từ chủ nợ thành con nợ
Tại ngày 30/9, ING ghi nhận đã cho Công ty CP Him Lam vay 170 tỷ đồng, và phát sinh khoản 111 tỷ đồng lãi vay. Như vậy, nếu hoàn thành hạn mức vay 2.520 tỷ đồng từ Công ty CP Him Lam, ING từ chủ nợ sẽ biến thành con nợ.
Dù đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng ING ghi nhận hơn 88,6 tỷ đồng nợ ngắn hạn khó đòi. Trong đó, 57 tỷ đồng phải thu nội bộ, và các khoản nợ từ Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Liên doanh Estella, Công ty CP Đầu tư & Phát triển XD 1-Hà Nội..
Giải trình nguyên nhân âm vốn, ING thừa nhận Công ty đã kinh doanh lỗ kéo dài nhiều năm, nên dẫn đến lỗ lũy kế. Trong đó, Dự án Khu dân cư Investco Green City của Công ty đang trong quá trình triển khai, hoàn thiện pháp lý để đáp ứng điều kiện mở bán, dẫn đến không phát sinh doanh thu trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay. Mặc dù vậy, Công ty vẫn phải chi trả những khoản bắt buộc dẫn đến hệ quả âm vốn như nêu trên.
Tháng 9/2024, ING cho biết đã cố gắng cân đối dòng tiền từ các nguồn như thu hồi công nợ còn lại của Dự án Babylon; nguồn vốn góp bổ sung và tài trợ của các cổ đông gồm Công ty CP Bất động sản Trường Sơn (tên cũ: Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam), và tự nguồn lực của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Kiệt.
Trước đó, ngày 13/12, ING bị Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn do lập hóa đơn không đúng thời điểm (không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế), mức xử phạt 4 triệu đồng.