Lo ngại các chính sách kinh tế bị thắt chặt, giá cà phê chững lại

23/12/2022 16:21 GMT+7
Lo ngại các ngân hàng trung ương sẽ mạnh tay thắt chặt các chính sách kinh tế đã khiến giá cà phê kỳ hạn chững lại. Trong nước, giá cà phê hôm nay (23/12) cũng giảm trở lại sau hai ngày tăng liên tiếp.

Giá cà phê thị trường nội địa quay đầu giảm 100 đồng/kg

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh theo xu hướng hỗn hợp. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 giảm 19 USD, xuống 1.957 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 giảm 1 USD, còn 1.878 USD/tấn, trong khi các kỳ hạn giao xa đều tăng. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 0,45 cent, xuống 168,90 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 0,30 cent, còn 168,75 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.

Lo ngại các chính sách kinh tế bị thắt chặt, giá cà phê chững lại - Ảnh 1.

GIÁ CÀ PHÊ TRỰC TUYẾN SÀN LONDON, NEW YORK, BMF Cập nhật: 23/12/2022 lúc 14:12:01

Lo ngại các chính sách kinh tế bị thắt chặt, giá cà phê chững lại - Ảnh 2.

Trong nước, giá cà phê hôm nay (23/12) cũng giảm trở lại sau hai ngày tăng liên tiếp.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 100 đồng, xuống dao động trong khung 40.200 - 40.900 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 40.200 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng. Tiếp đó là tỉnh Đắk Lắk với mức 40.800 đồng/kg. Tương tự, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cùng giảm nhẹ xuống mức 40.900 đồng/kg trong hôm nay.

Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt tại 1.908 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.

Giá cà phê điều chỉnh giảm nhẹ trên cả hai sàn khi USDX đảo chiều và chứng khoán Mỹ sụt giảm trở lại trong tâm lý nghỉ ngơi chung của các giới đầu cơ trước kỳ Lễ Giáng sinh năm nay. Việc thanh lý vị thế đầu cơ trước khi kết thúc giao dịch kỳ hạn tháng 1/2023 sàn London cũng góp phần khiến giá cà phê kỳ hạn chững lại. Trong khi suy thoái kinh tế và đại dịch toàn cầu làm dấy lên lo ngại một sự thắt chặt kinh tế mạnh tay của các ngân hàng trung ương và chính sách Zero Covid với nhiều hạn chế từ gã khổng lồ châu Á là Trung Quốc.

Đồng USD mạnh trở lại khiến giá cà phê dứt đà hồi phục. Tuy nhiên, thông tin xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm đã giúp giá trên hai sàn giao dịch hưởng lợi những phiên vừa qua.

Dữ liệu cho thấy dự trữ ICE tăng lên 788.275 bao - mức cao nhất kể từ tháng 7. Nhưng chỉ có 3.325 bao được thông qua trong số 14.198 bao đã trải qua quá trình phân loại. Vẫn còn 268.631 bao chờ phân loại.

Theo dữ liệu báo cáo của Safras & Mercado, tính đến nay người Brazil đã bán được 71% sản lượng cà phê vụ mùa 2022/23, tương đương 40,84 triệu bao, trong tổng sản lượng ước tính 57,3 triệu bao, cao hơn một chút so với sức trung bình 5 năm qua là khoảng 69%.

Chuyên gia nhận định về giá cà phê năm 2023 rằng, điểm mấu chốt của thị trường chính là kế hoạch tăng lãi suất của các nước tiêu thụ. Đây là một lực cản của thị trường, giai đoạn đầu năm sẽ tiếp tục giằng co, thị trường rõ ràng hơn vào cuối năm khi có cái nhìn tương đối về vụ thu hoạch của Brazil tháng 4/2023.

Tại khu vực Trung Mỹ, ngành cà phê Honduras tiếp tục phải vật lộn với bệnh gỉ sắt lá trong khi sản lượng của Guatemala giảm do khí hậu khắc nghiệt và tình trạng thiếu lao động.

Với Colombia, sản lượng cà phê được dự báo giảm 12%. Liên đoàn Những người trồng cà phê Colombia (FNC) cho rằng, sự sụt giảm sản lượng là do ảnh hưởng của hiện tượng La Niña khiến mưa nhiều hơn, tác động tiêu cực đến các đồn điền cà phê của nước này.

Lo ngại các chính sách kinh tế bị thắt chặt, giá cà phê chững lại - Ảnh 3.

Năm 2022 là một năm khá thành công đối với ngành cà phê Việt Nam và xuất khẩu cà phê trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Trước đó, những ngày giữa tháng 12/2022, giá cà phê Robusta giao kỳ hạn biến động không đồng nhất, giá cà phê Arabica tăng. Trên sàn giao dịch London, ngày 19/12/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2023 tăng 0,8% so với ngày 8/12/2022, lên mức 1.933 USD/tấn. Ngược lại, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 0,1%, 0,5% và 0,3% so với ngày 8/12/2022, xuống mức 1.866 USD/tấn; 1.836 USD/tấn và 1.821 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 19/12/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2023 và tháng 5/2023 tăng lần lượt 2,6% và 2,3% so với ngày 8/12/2022, lên mức 164,4 Uscent/lb và 164,6 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 7/2023 và tháng 9/2023 cùng tăng 2,0% so với ngày 8/12/2022, lên mức 164,65 Uscent/lb và 164,4 Uscent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 19/12/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 tăng lần lượt 4,2%, 2,4% và 2,2% so với ngày 8/12/2022, lên mức 212,3 Uscent/lb; 203,45 Uscent/ lb và 202,45 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.896 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 2 USD/tấn (tương đương mức giảm 0,1%) so với ngày 8/12/2022. 

Dự báo giá cà phê Robusta toàn cầu sẽ chịu áp lực giảm do cung dồi dào, cầu thấp. Việt Nam hiện đã thu hoạch gần 70% sản lượng vụ mùa Robuta mới và sức ép bán hàng trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới 2023 ngày càng gia tăng, trong khi nhu cầu toàn cầu giảm. Bên cạnh đó, báo cáo tồn kho của Hiệp hội Hạt (GCA) cho thấy nguồn dự trữ tại khu vực Bắc Mỹ khá dồi dào, tăng 1,1% so với tháng 10/2022, lên mức 6,39 triệu bao trong tháng 11/2022; tồn kho cà phê Arabica do ICE quản lý tăng lên mức cao 5 tháng sau khi đứng ở mức thấp 23 năm.

Những ngày giữa tháng 12/2022, tốc độ giảm giá cà phê Robusta đã chậm lại. Ngày 19/12/2022, giá cà phê Robusta giảm 100 - 200 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 9/12/2022. Mức giá giảm 200 đồng/kg tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, xuống còn 40.700 – 40.800 đồng/kg; tại tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai, giá cà phê Robusta giảm 100 đồng/kg, xuống còn 40.100 – 40.800 đồng/kg.

Năm 2022 là một năm khá thành công đối với ngành cà phê Việt Nam và xuất khẩu cà phê trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam khởi sắc khi giá cà phê thế giới tăng trở lại, nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng cao nhờ các nền kinh tế lớn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Thị trường cà phê mở rộng, xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn, tiềm năng - đây là triển vọng để gia tăng xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam ở những năm tiếp theo. 

Đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng toàn ngành là chủng loại cà phê Robusta, chiếm 98,16% tổng lượng và chiếm 84,86% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê các loại. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 11 và 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 11/2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt xấp xỉ 111,26 nghìn tấn, trị giá trên 222 triệu USD, tăng 21,2% về lượng và tăng 26,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn, trị giá 2,78 tỷ USD, tăng 14,8% về lượng và tăng 37,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực tăng, gồm: Ý, Bỉ, Nga, Tây Ban Nha, Anh, Philippines, Ấn Độ… Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang Đức, Hoa Kỳ giảm. 

11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Arabica và cà phê chế biến tăng so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn ở mức thấp. Sang năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành cà phê Việt Nam sẽ chú trọng đầu tư hơn vào khâu sơ chế, bảo quản. Việt Nam bước đầu hình thành công nghiệp chế biến cà phê nhân xuất khẩu, cà phê rang xay, cà phê hòa tan và hệ thống kho bảo quản 2,36 triệu tấn/năm. Với tín hiệu tích cực trên, kỳ vọng ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Lo ngại các chính sách kinh tế bị thắt chặt, giá cà phê chững lại - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục