Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê lại tăng vọt

12/04/2023 14:38 GMT+7
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn tiếp tục thúc đẩy thị trường giá cà phê tăng vọt. Giá cà phê hôm nay (12/4) tại thị trường trong nước tăng 600 - 800 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay 12/4: Tăng cao nhất 800 đồng/kg

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng.  Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 107 USD, lên 2.403 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 67 USD, lên 2.323 USD/tấn, các mức tăng cực mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức rất cao. Cấu trúc giá nghịch đảo gia tăng khoảng cách.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 7,90 cent, lên 190,50 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 7,75 cent, lên 188,45 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch cũng ở mức “khủng” hiếm thấy.

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê lại tăng vọt - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 12/04/2023 lúc 13:42:01 (delay 10 phút)

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê lại tăng vọt - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 12/04/2023 lúc 13:42:01 (delay 10 phút)

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê lại tăng vọt - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 600 - 800 đồng/kg, lên dao động trong khung 49.800 - 50.300 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 600 - 800 đồng/kg, lên dao động trong khung 49.800 - 50.300 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 49.800 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg. Sau khi tăng 700 đồng/kg và 800 đồng/kg, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông đang thu mua cùng mức 50.200 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk là 50.300 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát, sau khi tăng 700 đồng/kg.

USDX tiếp tục sụt giảm trong rổ tiền tệ mạnh đã hỗ trợ cho các tiền tệ mới nổi và xu hướng thị trường giá tăng. Lo ngại rủi ro tăng cao đã kích thích các quỹ hàng hóa và đầu cơ trên hầu hết các thị trường đẩy mạnh mua vào. Giá cà phê phái sinh bật tăng mạnh mẽ còn do thị trường xuất hiện các lực mua kỹ thuật đạp phăng các ngưỡng kháng cự khi đầu cơ “cá mập” đẩy giá để bán hàng thực.

Theo Báo cáo Thương mại tháng 3 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) ước tính sản lượng cà phê toàn cầu đạt khoảng 171,3 triệu bao, trong khi ước tính tiêu thụ cà phê toàn cầu khoảng 178,50 triệu bao, do đó thị trường cà phê toàn cầu sẽ thâm hụt 7,27 triệu bao trong niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023.

Nhiều quốc gia trồng cà phê đã báo cáo xuất khẩu giảm khiến thị trường dấy lên mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, trong khi tỷ giá USD tiếp tục sụt giảm đã ngăn cản nhiều nước bán cà phê xuất khẩu vì nhà nông sẽ thu về ít nội tệ hơn.

Đồng Reais – Brazil tăng thêm 1,16% đưa tỷ giá lên ở mức 1 USD = 5, 0070 R$ đã hỗ trợ hầu hết giá cả các loại nông sản xuất khẩu do người Brazil giảm bán.

Báo cáo tồn kho Robusta do ICE – London quản lý, tính đến thứ ba ngày 11/04 đã giảm thêm 1.290 tấn, tức giảm 1,71% so với một tuần trước đó, xuống ở mức 74.090 tấn (tương đương 1.234.833 bao, bao 60 kg) và báo cáo tồn kho Arabica do ICE – New York quản lý đã nhiều ngày qua không có sự bổ sung nào. Điều này đã khiến thị trường vẫn còn mối lo thiếu hụt nguồn cung.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3 xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 210.372 tấn, trị giá 482,4 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 11% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ giảm 0,1% về lượng nhưng tăng 1,8% về trị giá.

Tuy nhiên, tính đến hết quý I năm nay xuất khẩu cà phê của nước ta đã giảm 5% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, đạt 552.613 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD.

VICOFA cho biết nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm là do doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong mua hàng.

Hiện tại, việc thu hoạch đã hoàn tất tuy nhiên người dân vẫn giữ hàng không bán ra, chờ giá lên cao khiến doanh nghiệp không thể mua.

Cùng lúc, năm nay sức mua của đa số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê yếu do nguồn vốn eo hẹp trong bối cảnh lãi suất khá cao và biến động tỷ giá thất thường.

Cũng theo VICOFA, các doanh nghiệp FDI với lợi thế về nguồn tiền dồi dào nên đã gom hàng từ trước đợi khi nào doanh nghiệp Việt Nam thiếu hàng thì bán ra. Hiện tượng này cũng đã xảy ra ở niên vụ 2021 - 2022.

Trong quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 808 triệu USD. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng 3,7% lên 419,8 triệu USD.

Tỷ trọng của doanh nghiệp FDI trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam theo đó tăng lên mức 34% từ 31% của cùng kỳ; trong khi tỷ trọng của các doanh nghiệp trong nước thu hẹp từ 69% xuống còn 66%.

Còn tại trong nước, giá cà phê hiện đang bước vào chu kỳ tăng giá trong năm thứ 3 liên tiếp. Tính đến ngày 12/4, giá cà phê Robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã vượt 50.000 đồng/kg, dao động ở mức 50.000 - 50.500 đồng/kg, tăng 24 – 26% (hơn 10.000 đồng/kg) so với đầu năm nay. Đây cũng là mức giá cao nhất đạt được kể từ cuối tháng 8/2022.

Một số nhận định cho rằng giá cà phê có thể thiết lập mức đỉnh mới trong thời gian tới do nguồn cung cà phê toàn cầu được dự báo sẽ thiếu hụt trong năm thứ hai liên tiếp.

Báo cáo tháng 3 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 2 chỉ đạt 8,9 triệu bao, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trong 5 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 2/2023), xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 8,7 % xuống còn 48,7 triệu bao.

Đồng thời, ICO ước tính nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại.

Theo dự báo này, sản lượng cà phê Arabica toàn cầu sẽ tăng khoảng 4,6% lên  98,6 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Tuy nhiên, sản lượng Robusta  dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao.

Trong khi đó, giá cà phê xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng lên. Trong tháng 3 giá xuất khẩu bình quân cà phê tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2.293 USD/tấn.  Tính chung qúy I năm nay giá xuất khẩu cà phê đạt bình quân 2.222 USD/tấn, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ.  

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục