Arabica đảo chiều sụt giảm, giá cà phê trong nước vẫn đi ngang, thấp nhất 49.200 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 11/4: Arabica điều chỉnh nhẹ sau tuần tăng giá
Kết thúc phiên giao dịch mở cửa muộn một mình đầu tuần, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 1,00 cent, xuống 182,60 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm 1,00 cent, còn 180,70 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Trong khi đó,sàn ICE Europe – London nghỉ Lễ Easter Monday sau Phục Sinh, đóng cửa không giao dịch.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên không thay đổi, vẫn dao động trong khung 49.200 - 49.600 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 49.200 đồng/kg. Kế đến là Đắk Nông với 49.400 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê tại tỉnh Gia Lai là 49.500 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk giao dịch ở mức 49.600 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được ghi nhận.
Thị trường cà phê Arabica ở New York đảo chiều sụt giảm sau khi thị trường tiếp nhận thông tin từ Safras & Mercados dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ tới 2023/2024 sẽ tăng 13% lên ở mức 66,65 triệu bao và ước xuất khẩu sẽ tăng 21% so với niên vụ hiện tại. Trong khi báo cáo thời tiết cho thấy các vùng trồng cà phê chính ở Minas Gerais của Brazil hiện vẫn có mưa dồi dào, lượng mưa cao hơn 148% so với mức trung bình lịch sử, sẽ xua tan mọi dấu hiệu sương giá mùa đông năm nay.
Tổng cục Hải Quan Việt Nam báo cáo dữ liệu sơ bộ xuất khẩu cà phê trong tháng 3 đã đạt 210.372 tấn (khoảng 3,5 triệu bao), giảm 0,11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng xuất khẩu cà phê trong quý I/2023 đã giảm 5,03% so với cùng kỳ.
Tuần trước, đầu cơ đã đẩy giá để bán hàng giao ngay trên cả hai thị trường cà phê kỳ hạn. Tính chung cả tuần trước, thị trường cà phê London có 3 phiên tăng và 1 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng tất cả 93 USD, tức tăng 4,49 %, lên 2.299 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng tất cả 83 USD, tức tăng 3,82 %, lên 2.256 USD/tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, thị trường cà phê Arabica New York cũng có 3 phiên tăng và 1 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng tất cả 13,10 cent, tức tăng 7,68 %, lên 183,60 cent/lb, và kỳ hạn giao tháng 7 tăng tất cả 12,00 cent, tức tăng 7,07 %, lên 181,70 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân tuần qua tại thị trường Tây nguyên tăng 900 – 1.000 đồng, lên dao động trong khung 49.300 – 49.800 đồng/kg.
Nổi bật trong tuần là Báo cáo Thương mại tháng 3 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 2 đã giảm 18,03% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng cộng 8,90 triệu bao. Do đó, lũy kế xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 5 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã giảm 8,68 % so với cùng kỳ năm trước, xuống tổng cộng 48,66 triệu bao.
ICO cũng ước tính nguồn cung toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 sẽ khoảng 171,30 triệu bao và ước tính tiêu thụ cà phê toàn cầu trong khoảng 178,50 triệu bao, do đó thị trường cà phê toàn cầu thiếu hụt 7,27 triệu bao, sẽ được bù đắp trong niên vụ cà phê 2023/2024 khi nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới Brasil có vụ thu hoạch được mùa theo chu kỳ “hai năm một”.
Trong tuần qua, đồng Reais – Brazil tiếp tục mạnh thêm 0,20%, tỷ giá lên ở mức 1 USD = 5,0590 R$, khiến người Brazil bán cà phê xuất khẩu chậm lại đã góp phần hỗ trợ xu hướng giá tăng.
Tính đến thứ năm ngày 06/04, tồn kho cà phê Robusta do ICE – London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm 720 tấn, tức giảm 0,96 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 74.660 tấn (tương đương 1.244.333 bao, bao 60 kg), vẫn còn đứng ở mức thấp 3,5 tháng.
Được biết, giá cà phê nội địa trong quý I tăng khoảng 25% so với thời điểm cuối năm 2022 và tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên khoảng 48.600 - 49.000 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta thế giới cũng diễn biến đồng pha, tuy nhiên mức tăng thấp hơn so với giá nội địa. Theo đó, tính đến ngày 31/3, giá cà phê Robusta giao trong tháng 5 trên Sàn Giao dịch London ở mức 2.206 USD/tấn, tăng 14,5% so với đầu cuối năm ngoái.
Giá cà phê tăng trong khi hoạt động xuất khẩu vẫn giảm sút. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, luỹ kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 342.352 tấn, trị giá 745,3 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và 9,5% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong 2 tháng đạt 2.177 USD/tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường lớn ghi nhận giảm mạnh trong nhập khẩu cà phê Việt Nam như Bỉ (43%), Nhật Bản (30%), Anh (60%) Trung Quốc (25%)…
Hiệp hội Cà Phê - Ca cao Việt Nam cho biết (VICOFA) cho biết nguyên nhân của việc giá cà phê trong nước ở mức cao trong khi xuất khẩu giảm là do doanh nghiệp khó khăn trong mua hàng. Hiện tại, việc thu hoạch đã hoàn tất tuy nhiên người dân vẫn giữ hàng không bán ra, chờ giá lên cao khiến doanh nghiệp không thể mua. Cùng lúc, năm nay sức mua của đa số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê yếu do nguồn vốn eo hẹp trong bối cảnh lãi suất khá cao và biến động tỷ thất thường.
Nguồn tài chính của các doanh nghiệp năm nay không dồi dào như mọi năm dẫn đến tồn kho hàng hoá ở mức thấp. Trong khi đó, giá nội địa hiện vẫn ổn định ở mức cao nên các doanh nghiệp xuất khẩu không dám ký hợp đồng giao xa do sợ không cân đối được với giá nội địa và giá xuất khẩu, VICOFA cho biết.
Theo ước tính, tháng 3/2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 230 nghìn tấn, trị giá 522 triệu USD, tăng 15% về lượng và tăng 20,1% về trị giá so với tháng 2/2023, so với tháng 3/2022 tăng 9,2% về lượng và tăng 10,2% về trị giá. Tính chung quý I/2023, xuất khẩu cà phê của nước ta ước đạt 572 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 1,27 tỷ USD, giảm 1,6% về lượng và giảm 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Về giá: Tháng 3/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước tính đạt mức 2.270 USD/tấn, tăng 4,4% so với tháng 2/2023 và tăng 0,9% so với tháng 3/2022. Tính chung quý I/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta ước đạt mức 2.214 USD/tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ cấu chủng loại: Tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê Robusta và cà phê chế biến tăng mạnh so với tháng 2/2022, trong khi xuất khẩu cà phê Arabica giảm. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Robusta giảm 7,8% về lượng và giảm 12% về trị giá, đạt xấp xỉ 312 nghìn tấn, trị giá 595,29 triệu USD; xuất khẩu cà phê Arabica đạt 12,2 nghìn tấn, trị giá 46,95 triệu USD, giảm 2,8% về lượng và giảm 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê chế biến tăng 12,9% trong 2 tháng đầu năm 2023, đạt trên 103 triệu USD.