Lo sốt vó vì margin

18/10/2019 07:05 GMT+7
Tổng giám đốc một doanh nghiệp niêm yết 2 ngày nay chạy đôn chạy đáo, lo sốt vó vì công ty chứng khoán sau “hiệu ứng FTM” (cổ phiếu FTM bị cắt margin do có dấu hiệu bị làm giá) đã rà soát lại toàn bộ danh mục cho vay ký quỹ (margin) và thực hiện thông báo cắt margin đối với một số mã cổ phiếu.

Trong trường hợp này, nhà đầu tư buộc phải trả tiền vay cho công ty chứng khoán và nhận lại cổ phiếu, nếu không thực hiện được, lệnh bán tự động sẽ lập tức tung ra. Giá cổ phiếu sụt giảm, rất có thể tạo ra cơn địa chấn ở những công ty chứng khoán khác, cắt margin và bán ra cổ phiếu, trong khi bản chất hoạt động doanh nghiệp không có biến động lớn.

Hệ lụy với doanh nghiệp khi cổ phiếu liên tục giảm giá là các đối tác, ngân hàng, trái chủ lập tức liên hệ và có thể áp dụng các biện pháp mạnh tay để có được sự an toàn.

Lo sốt vó vì margin - Ảnh 1.

Lúc này mới là khủng hoảng và cơn ác mộng thật sự của doanh nghiệp, vì “dòng máu” bị cắt hoặc trục trặc, lập tức doanh nghiệp ốm nặng, thậm chí là bị đánh gục.

Có lẽ quá thấm thía bài học từ FTM mà lãnh đạo doanh nghiệp trên phải lo xa, nhưng những vụ việc này cho thấy tình trạng rủi ro liên quan đến margin trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Không ít doanh nghiệp đã chơi “dao 2 lưỡi”, sử dụng đòn bẩy margin để đẩy giá cổ phiếu tăng, tạo thương hiệu, hình ảnh trên thị trường, nhằm tiếp cận nhà băng, nhà đầu tư hoặc các đối tác khác. Giá cổ phiếu tăng trong trường hợp này không đến từ nền tảng của doanh nghiệp tốt, hay thị trường chung tăng trưởng khiến các nhà đầu tư đại chúng mua vào.

Cũng đã có không ít thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giá trị hàng trăm tỷ đồng, bên mua vay tiền thanh toán cổ phần, sau đó sử dụng chính cổ phần mua được ký quỹ tại công ty chứng khoán, đẩy giá cổ phiếu lên để lấy tiền trở lại.

Có những mã chứng khoán râm ran trong giới đầu tư rằng, sau M&A, giá cổ phiếu được đẩy lên gấp đôi, gấp ba thì tiền vay từ công ty chứng khoán đủ để bên mua thanh toán tiền mua cổ phần.

Có những thời điểm, nhiều nhà đầu tư lớn, bao gồm các chủ doanh nghiệp, sử dụng nguồn vốn vay từ các công ty chứng khoán cho phần cổ phiếu của chính mình.

Ðiều này khiến dư nợ cho vay tăng, nhưng lượng cho vay đến khách hàng cá nhân có giao dịch tạo ra sự sôi động cho thị trường, hầu như không có.

Nhưng người tính không bằng trời tính, sự biến động của thị trường và những sự cố khó lường xảy ra có thể là đòn quay bất ngờ đập lưng doanh nghiệp niêm yết.

Trong trường hợp doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo đã nêu, các trái chủ là tổ chức nước ngoài đang xem xét giải ngân hợp đồng trái phiếu có thể ngưng hợp tác, ảnh hưởng tới dòng tiền và tiến độ triển khai các dự án.

Hiện dư nợ margin tại các công ty chứng khoán được ước tính vào khoảng 50.000 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là trên thị trường có bao nhiêu doanh nghiệp sử dụng bài tính margin và chứng khoán hóa cổ phiếu để làm đòn bẩy kích hoạt hoạt động doanh nghiệp?

Nếu không tỉnh táo, doanh nghiệp dù có hoạt động kinh doanh cốt lõi và nhiều năm tích lũy có thể nhanh chóng sụp đổ. Vụ việc FTM là bài học để nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tỉnh ngộ.

ĐTCK
Cùng chuyên mục