“Lội ngược dòng” xuất siêu 1,4 tỷ USD trong tháng đầu năm 2022

15/02/2022 18:05 GMT+7
Theo số liệu thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực, xuất siêu 1,4 tỷ USD.

Cụ thể, trong tháng 1/2022, xuất khẩu hàng hóa đạt 30,845 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2021. Có tới 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên ngay trong tháng đầu năm.

Trong đó, một số nhóm hàng có tăng trưởng cao hai con số như dệt may, gỗ và sản phẩm từ gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, gạo… Chiều ngược lại, tháng 1 kim ngạch nhập khẩu đạt 29,45 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD. Lớn nhất vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 7,12 tỷ USD, tăng 25,8%.

Đáng chú ý, chỉ trong 9 ngày Tết Âm lịch năm nay, hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu sang tất cả 109 nước, vùng lãnh thổ (trong dịp Tết Tân Sửu năm 2021 hàng hóa Việt Nam chỉ có mặt ở 80 nước, vùng lãnh thổ).

“Lội ngược dòng” xuất siêu 1,4 tỷ USD trong tháng đầu năm 2022 - Ảnh 1.

Trái với dự báo trước đó, tháng 1/2022, Việt Nam xuất siêu 1,4 tỷ USD. (Ảnh: TTXVN)

Về thị trường, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc với trị giá 400 triệu USD. Tiếp theo là các thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản...

Như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu có tháng khởi đầu năm mới 2022 khá ấn tượng với quy mô kim ngạch đạt hơn 60 tỷ USD, trong đó nước ta xuất siêu gần 1,4 tỷ USD.

Đây là kết quả khả quan hơn rất nhiều so với con số được Tổng cục Thống kê dự báo trước đó (xuất khẩu đạt 29 tỷ USD; nhập khẩu 29,5 tỷ USD; nhập siêu 500 triệu USD).

Nhận định về nội dung trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, trong thời gian qua, đã có rất nhiều Hiệp định thương mại (FTA) có hiệu lực.

Theo ông Hải nhận định, các FTA không chỉ mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư trong nước giúp tăng năng lực sản xuất, mà còn khiến doanh nghiệp thận trọng hơn trong giao dịch quốc tế.

"Việc tận dụng ưu đãi từ các FTA trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tạo áp lực cho doanh nghiệp của chúng ta phải nhận thức rõ về những hàng rào kỹ thuật các nước nhập khẩu có thể áp dụng như thuế chống phá giá, chống trợ cấp… Thậm chí các nước có thể đưa ra những vụ kiện và doanh nghiệp phải sẵn sàng tâm thế đối mặt, tham gia giải trình.

Một điều nữa tôi cũng hết sức lưu ý đó là trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang gia tăng, doanh nghiệp của chúng ta cần hiểu biết rõ để không tiếp tay cho hành vi vi phạm như hành vi gian lận xuất xứ hàng hoá", ông Hải nêu ý kiến.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục