Lương tối tiểu vùng năm 2020: Tăng 150.000 – 240.000 đồng

12/07/2019 07:46 GMT+7
Chiều ngày 11/7, sau phiên thứ 2 họp thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 lên 5,5% so với 2019.

Theo như phương án đã chốt, năm 2020, lương tối thiểu vùng mỗi tháng sẽ tăng 5,5% so với mức hiện tại, cụ thể: vùng 1 sẽ tăng từ 4,18 lên 4,42 triệu đồng (tăng 240.000 đồng), vùng 2 tăng từ 3,71 lên 3,92 triệu đồng (tăng 180.000 đồng), vùng 3 tăng từ 3,25 lên 3,43 triệu đồng (tăng 180.000 đồng); vùng 4 tăng từ 2,92 lên 3,07 triệu đồng (tăng 150.000 đồng).

Theo ông Doãn Mậu Diệp, thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng, mức lương tối thiểu hiện nay đã đáp ứng được hơn 95% mức sống tối thiếu của người lao đông và gia đình họ. Mức tăng 5,5% như đã chốt sẽ chắc chắn đáp ứng được cơ bản mức sống tối thiểu.

Ông Doãn Mậu Diệp, thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia

"Sau năm 2020, tùy vào các chỉ số và mức sống của người lao động thì Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn sẽ họp tiếp để điều chỉnh".

Tổng LĐLĐ VN: Không thể áp dụng các tính lương của 10 năm trước

Là cơ quan đại diện cho người lao động, với mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của người tham gia lao động hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất mức tăng ở lần thương lượng đầu tiên là 8,1% hoặc 7,06%, sau đó ở lần thương lượng thứ 2 là 6,52%.

Lý giải về mức đề xuất này, Tổng LĐLĐ VN cho rằng, đã cân nhắc và tính toán rất kỹ ngay cả trong việc điều chỉnh lại những bất cập trong tính toán của Tổ kỹ thuật.

Thứ nhất, GDP năm nay tăng tốt, khoảng 7% (năm 2018 đạt 7,08%, tăng cao nhất kể từ năm 2000 đến nay).

Thứ hai, năng suất lao động lao động tăng ở mức tốt là xấp xỉ 6%.

Thứ ba, khả năng chi trả của doanh nghiệp tốt, phần nhiều các doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất, phải tuyển thêm lao động. Điều này đánh giá dựa trên tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, tình hình xuất khẩu khẩu và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt ở các ngành đông lao động, với tỷ lệ đơn hàng tăng.

Doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, điện tử,… cho biết về tình trạng khan hiếm lao động. Số doanh nghiệp mới thành lập cũng tăng hơn so với năm ngoái. Một số doanh nghiệp cho biết đơn hàng tăng là do nhãn hàng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, điện tử,… cho biết về tình trạng khan hiếm lao động.

Thứ tư, CPTPP và EVFTA được coi là một thuận lợi lớn để phát triển, điều này sẽ có lợi cho việc doanh nghiệp có thể giảm thuế. Với CPTPP và EVFTA, lương tối thiểu đủ sống là yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhiều nhãn hàng quốc tế cam kết trả lương đủ sống và yêu cầu doanh nghiệp trả lương đủ sống cho người lao động. Nếu tăng lương tối thiểu đủ sống sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh đơn hàng tốt hơn. 

Thứ năm, theo như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ doanh nghiệp đã trả cao hơn mức lương tối thiểu năm 2019 đạt khá cao. Lương tối thiểu chỉ áp dụng với những lao động yếu thế và có mức lương thấp, ngang với lương tối thiểu. Chính vì thế mà tăng lương tối thiểu sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nhóm doanh nghiệp đã trả lương cao hơn lương tối thiểu.

Nếu như tăng lương tối thiểu ở mức dưới 7-8% như đề xuất thì người lao động vẫn có thể sống được như bao năm nhưng chất lượng cuộc sống không được cải thiện. Bên cạnh đó, còn cần có khoản tiền phòng ngừa rủi ro cuộc sống.

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ VN, nhiều lao động thu nhập thấp khi đau ốm không có đủ tiền để trả viện phí và thuốc men và rơi vào tình trạng nợ nần, thậm chí bán cả phương tiện đi lại của mình, có người thì bán cả nhà. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng “tín dụng đen” trong công nhân trong thời gian qua.

Tổng Liên đoàn Lao động nêu: “Nếu không tính toán theo phương pháp mới, sẽ không phù hợp với nhu cầu cuộc sống và trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay đồng thời dẫn đến không đảm bảo lương tối thiểu đủ sống cho người lao động, chất lượng cuộc sống không được cải thiện”.

VCCI: Không đồng tình tăng từ 6,5-8,1%

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là cơ quan đại diện cho phía doanh nghiệp, người sử dụng lao động cho rằng cần giãn lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đến năm 2020 hoặc chỉ nên điều chỉnh mức tăng thêm 1-2%.

Đại diện VCCI cho biết đã tham khảo 3 phương án của Tổng LĐLD VN đưa ra với mức tặng từ 6,5-8,1%. Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định,  đại diện giới chủ sử dụng lao động tiếp tục bảo lưu quan điểm như trong phiên họp cách đây 1 tháng, VCCI chỉ đồng ý đề xuất tăng không quá 2%.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Sau khi thảo luận, VCCI đã nâng mức lương tối thiểu lên 2,5-3,5%, sau đó là 4%.

Lý do mà VCCI đưa ra là để hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng lao động, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, xử lý rủi ro suy giảm tăng trưởng có tính chu kỳ.

Hiện nay, có tới 72,5% doanh nghiệp đã trả lương tối thiểu tăng trên 6%. Qua thảo luận và nghiên cứu tình hình, VCCI cho rằng, lương tổi thiểu cần phải tăng để động viên tinh thần làm việc cho người lao động. “Tuy nhiên, không thể tăng như Tổng LĐLĐ Việt Nam kỳ vọng, bởi như vậy vượt quá năng lực chi trả của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh và các khoản chi phí khác…”, ông Phòng chia sẻ.

Kết quả cuối cùng đưa của cuộc họp là tăng mức lương lên 5,5%, ông Phòng cũng cho biết, “kết quả này cũng không làm vui cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên vì người lao động cũng còn khó khăn nên cũng phải chia sẻ".

Phương Thảo
Cùng chuyên mục