Mỹ chưa xác định thời điểm nối lại đàm phán trực tiếp với Trung Quốc
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer bắt tay với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Thượng Hải, bên cạnh là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: AFP
“Tôi không nghĩ chúng tôi đã ấn định thời điểm đàm phán cụ thể nào. Thay vì đàm phán trực tiếp, bước tiếp theo cho đàm phán thương mại có thể là một cuộc điện đàm khác trong vài tuần tới” - ông Wilbur Ross thẳng thắn.
Nhận xét của ông Wilbur Ross được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trì hoãn mức thuế 10% với 160 tỷ USD hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc đến ngày 15.12. 140 tỷ USD hàng hóa còn lại vẫn sẽ bị áp thuế ngay từ 1.9 tới đây. Ông Trump lý giải sự trì hoãn này là để tránh những tác động xấu đến người tiêu dùng trước mùa Giáng Sinh và nghỉ lễ.
Đáp lại sự “xuống thang” của ông Trump, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngay sau đó cũng có cuộc điện đàm với quan chức thương mại Mỹ để nối lại vòng đàm phán trong khoảng 2 tuần tiếp theo. Trong khi người ta lầm tưởng ông Lưu Hạc đang nhắc tới vòng đàm phán trực tiếp vốn được ấn định diễn ra tại Washington vào đầu tháng 9 như đã thống nhất sau cuộc gặp gỡ tại Thượng Hải hồi tháng trước, thì phát biểu mới đây của Bộ Trưởng Thương mại Mỹ lại phủ nhận điều này. Theo ông Ross, rất có thể Mỹ và Trung Quốc sẽ chỉ khôi phục những cuộc điện đàm thay vì một vòng đàm phán trực tiếp mang tính xây dựng và tiến bộ.
Thực chất, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra việc ông Trump trì hoãn thuế quan với 160 tỷ USD hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc không phải một động thái hòa hoãn trong xung đột với Trung Quốc bấy lâu nay. Hơn một nghìn mặt hàng trong danh mục được hoãn và có khả năng được miễn thuế đều là mặt hàng tiêu dùng quan trọng với người Mỹ, như giày dép, quần áo, smartphone, laptop, máy chơi game…, tức những mặt hàng mà người Mỹ có nhu cầu lớn trong dịp nghỉ lễ.
Việc hoãn thuế đến 15.12 thể hiện sự quan ngại của Trump về việc người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu phần nào hậu quả của thuế quan, điều mà vị Tổng thống Mỹ không hề muốn xảy ra, nhất là trước thềm chiến dịch tái tranh cử năm 2020.
Cho đến hôm 14.8, ông Trump vẫn tự tin tuyên bố trên Twitter: “Mỹ đang giành chiến thắng. Các công ty đã tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc”, và rằng Trung Quốc mới là kẻ phải gánh chịu phần lớn ảnh hưởng của thuế quan. Ông còn khẳng định không vội vàng đàm phán dù Trung Quốc đang rất nóng lòng cho một thỏa thuận.
“Không có sự nhượng bộ nảo ở đây” - Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross khẳng định.
Theo kịch bản đã được thiết lập sau vòng đàm phán tại Thượng Hải, một phái đoàn thương mại Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ đến Washington vào đầu tháng 9 để tiếp tục đàm phán thương mại, dù rằng hy vọng thỏa thuận thương mại giữa hai nước ngày càng mờ nhạt. Nhưng trong bối cảnh bất ổn hiện nay, không chắc liệu vòng đàm phán trực tiếp có diễn ra vào đầu tháng 9 hay một thời điểm cụ thể nào khác.
Đa số các nhà phân tích đều đồng tình với Trump trong nhận định Trung Quốc sẽ kéo dài đàm phán đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 để xem liệu ai sẽ đại diện cho Mỹ ký tên vào thỏa thuận thương mại Mỹ Trung tiếp theo: vẫn là Trump hay một gã tay mơ nào khác? Còn ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng đã trả lời Fox News khi được hỏi liệu có thể đạt thỏa thuận trước cuộc bầu cử hay không: “Tôi không biết suy đoán này sẽ giúp ích gì cho đàm phán. Những gì sắp xảy ra là chúng ta sẽ tiếp tục ngồi vào bàn và đối thoại với họ.”
Ông Navarro cũng tin tưởng rằng việc Trump trì hoãn thuế quan với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ cho FED thêm thời gian để đi đến quyết định cắt giảm lãi suất sâu hơn, kích thích tăng trưởng và xuất khẩu thông qua đồng USD suy yếu.