Doanh nghiệp lo ngại xây nhà ở xã hội tại ngoại ô khó thu hút người mua
Nguyên nhân khiến "vỡ" kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025
Theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giai đoạn 2021 - 2025 cả nước cần 1,24 triệu căn nhà ở xã hội và giai đoạn 2025 - 2030 cần 1,6 triệu căn. Tuy nhiên, thực tế từ năm 2021 đến nay, cả nước mới hoàn thành 57.652 căn, đạt 13,5% kế hoạch 2021 - 2025, tăng 4% so với thống kê gần nhất vào quý 3. Hiện cả nước khởi công 133 dự án với quy mô 110.217 căn, 415 dự án được chấp thuận đầu tư có quy mô 412.240 căn.
Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ mới đạt 1,44%, với 1.727 tỷ đồng được giải ngân, tăng thêm 383 tỷ đồng so với thời điểm thống kê gần nhất. Do nguồn cung thực tế vẫn khan hiếm, việc phê duyệt các điều kiện tiếp cận của người dân vẫn còn vướng mắc, lãi suất cao, thời gian vay ngắn... đã không khuyến khích giải ngân được gói tín dụng này.
VARS cho biết, 3 thành phố: Hải Phòng, Huế và Đà Nẵng là "điểm sáng” trong việc phát triển nhà ở xã hội với tỷ lệ hấp thụ lần lượt đạt 71%, 84%, 100%. Để đề án thực sự có cơ hội về đích, Nhà nước cần tiến dần hơn về phía "chủ trì" thay vì chỉ là cơ quan ban hành các cơ chế, chính sách và theo dõi, giám sát như hiện tại.
Bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng VARS IRE cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp muốn làm nhà ở xã hội, vừa đóng góp một phần cho cộng đồng, vừa để tận dụng các chính sách ưu đãi và đáp ứng nhu cầu về nhà ở rất lớn và ổn định của phân khúc.
Tuy nhiên, các nơi có cầu và sức mua lớn nhất thì doanh nghiệp rất "khó" làm bởi quy trình thủ tục, pháp lý thực tế phức tạp và không "mặn mà" làm khi giá bán và lợi nhuận bị khống chế quá thấp trong khi chi phí phát triển (đất, xây dựng, lãi vay) liên tục tăng.
"Quỹ đất ở khu vực trung tâm ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, dù có làm cũng không thể đủ để đáp ứng đòi hỏi về nhà ở của người dân ngày càng tăng. Nếu phát triển tại các quỹ đất dành cho nhà ở xã hội nằm ở ngoại ô hoặc các khu vực có hạ tầng chưa phát triển thì doanh nghiệp lại không dễ bán bởi khó thu hút người mua", bà Miền nhận định.
Ở phía người dân, số lượng dự án nhà ở xã hội triển khai, mở bán ở các đô thị rất hạn chế. Phần lớn các dự án nhà ở xã hội nằm ở ngoại ô, xa trung tâm, không thuận tiện cho người lao động làm việc tại đô thị.
Một số trường hợp, nhà ở xã hội bị chuyển nhượng trái phép hoặc mua đi bán lại bởi các đối tượng không thuộc diện ưu tiên, làm giảm cơ hội tiếp cận của người có nhu cầu thực sự. Ngoài ra, người dân vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay; lãi suất vay tăng cao và thời gian vay ngắn. Giá mua nhà ở xã hội thực tế vẫn vượt khả năng chi trả của nhiều người trong khi giá thuê quá cao.
Bộ Xây dựng khẳng định chính sách về nhà ở xã hội luôn "mở" cho doanh nghiệp tham gia
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết, để tham gia phát triển nhà ở xã hội hiện doanh nghiệp đang phải tự bỏ vốn đầu tư và đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thanh kiểm tra, phê duyệt dự án. Do đó, cần tạo cơ chế hỗ trợ tài chính cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Nếu không có các gói ưu đãi đặc biệt về lãi suất và vốn vay, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành chia sẻ, sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân là yếu tố cần thiết để phát triển phân khúc nhà ở xã hội. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển dự án một cách minh bạch và hiệu quả.
"Để đảm bảo nhà ở xã hội đến đúng đối tượng thụ hưởng, cần xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ, đồng thời cho phép việc chuyển nhượng dễ dàng hơn. Điều này giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và giảm thiểu tình trạng đầu cơ. Nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hàng triệu người dân", ông Nghĩa kiến nghị.
Tuy nhiên, về chính sách phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia. Bởi chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất,...
"Doanh nghiệp được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế. Một số trường hợp được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại", ông Sinh cho biết.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê lại nhà lưu trú công nhân để bố trí cho công nhân của mình thuê lại. Luật đã bổ sung thêm trường hợp là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh, thành phố quyết định việc chủ đầu tư phải bố trí quỹ đất đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án nhà ở thương mại phát triển hoặc ở khu vực khác hoặc trả tiền tương đương. Ngoài khoản lợi nhuận tối đa 10%, chủ đầu tư dự án còn có thể có thêm khoản lợi nhuận từ phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại, chiếm 20% diện tích phát triển dự án.