Mỹ tập hợp đồng minh gây sức ép, Trung Quốc sẽ đáp trả gay gắt hơn?

24/03/2021 10:54 GMT+7
Áp lực ngày một tăng từ các cường quốc trên thế giới đang mang đến cho chính phủ Trung Quốc nhiều cơ hội hơn trong việc thể hiện cách tiếp cận mới với các vấn đề quốc tế.

Trong hành động phối hợp đầu tiên của các quốc gia phương Tây kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức; Mỹ, EU, Anh và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với hàng loạt quan chức Trung Quốc vào hôm 22/3, viện dẫn những cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương. Mỹ từ lâu đã chỉ trích Trung Quốc về hành động đàn áp người dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương, cáo buộc mà Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ.

Ngay sau động thái của các nước phương Tây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng có sự đáp trả bằng một danh sách hàng loạt lệnh trừng phạt các thực thể và cá nhân ở EU. Những cá nhân (và cả gia đình của họ) trong danh sách sẽ bị cấm nhập cảnh Trung Quốc, trong khi các tổ chức và doanh nghiệp bị hạn chế kinh doanh tại Trung Quốc.

Mỹ tập hợp đồng minh gây sức ép, Trung Quốc sẽ đáp trả gay gắt hơn? - Ảnh 1.

Mỹ tập hợp đồng minh gây sức ép, Trung Quốc sẽ đáp trả gay gắt hơn?

Nick Turner, luật sư tư vấn của công ty luật Steptoe & Johnson, chỉ ra rằng mức độ chi tiết về hậu quả được nêu trong các lệnh trừng phạt này của Bắc Kinh rõ ràng hơn hẳn so với các lệnh trừng phạt mơ hồ trước đây. “Nó thể hiện quá trình phát triển tự nhiên của một cường quốc”.

Trung Quốc đã phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong hai thập kỷ qua. Dưới thời chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Tập đã bãi bỏ các giới hạn nhiệm kỳ và siết chặt quyền kiểm soát trong nước, đồng thời tăng cường tiếng nói ngoại giao mạnh mẽ hơn. Hồi tháng 7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn tuyên bố thành lập Trung tâm nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao ở Bắc Kinh.

Mới đây nhất, trong kỳ họp quốc hội thường niên đầu tháng này, Trung Quốc từng tuyên bố sẽ thúc đẩy các hành động pháp lý trong vấn đề đối ngoại, bao gồm việc phản ứng với các lệnh trừng phạt (từ phương Tây).

Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ nhận định rằng để trả đũa các lệnh trừng phạt mới nhất, Bắc Kinh cũng có thể công bố những hạn chế tương tự đối với các quan chức từ Canada, Anh và Mỹ. “Bạn sẽ nhận thấy rằng dưới thời ông Tập Cận Bình, (đòn ăn miếng trả miếng) đã trở thành một động thái ngoại giao đặc sắc mà Trung Quốc sẽ thực hiện để đáp lại bất cứ biện pháp trừng phạt nào với họ”.

Ngay từ khi mới nhậm chức, Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định sẽ có cách tiếp cận đa phương trong vấn đề chống lại Trung Quốc thông qua liên kết, tập hợp sức mạnh các đồng minh Mỹ. Và động thái mới đây phản ánh một phần góc độ tiếp cận mới của ông Biden. “Chúng tôi sẽ đối mặt với sự lạm dụng kinh tế của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ duy trì quan điểm Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ… Nhưng chúng tôi sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh chừng nào Washington muốn làm như vậy. Chúng tôi sẽ cạnh tranh từ một vị thế mạnh mẽ hơn bằng cách hợp tác với các đồng minh của Mỹ” - ông Biden từng tuyên bố.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ ba của Mỹ với 558,1 tỷ USD tổng kim ngạch thương mại (hai chiều) trong năm 2019, theo Văn phòng đại diện thương mại Mỹ. Khối lượng giao dịch khổng lồ này tạo ra tới 911.000 việc làm tại Mỹ tính đến năm 2015, với 601.000 công việc từ xuất khẩu hàng hóa và 309.000 công việc từ xuất khẩu dịch vụ.

Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nông dân Mỹ và thương mại hàng năm các mặt hàng nông sản đạt tổng giá trị 14 tỷ USD vào năm 2019, thời điểm cuộc chiến thương mại chưa bắt đầu. Trung Quốc là nhà cung cấp nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Mỹ.


NTTD
Cùng chuyên mục