Năm 2023, giá lợn được kỳ vọng tăng 5%

06/12/2022 16:21 GMT+7
Trong năm 2023, giá lợn được kỳ vọng tăng 5% do nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và thiếu hụt nguồn cung khi các hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá lợn giảm trong thời gian gần đây, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.

Giá lợn hơi vẫn đi ngang, tăng/giảm trong khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg 

Giá lợn hơi ngày 6/12 vẫn đi ngang tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên và tăng/giảm nhẹ 1.000 – 2.000 đồng/kg tại khu vực miền Bắc, miền Nam.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi điều chỉnh giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg ở một vài nơi và dao động trong khoảng 52.000 - 54.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Hưng Yên về mức 53.000 đồng/kg. Ghi nhận mức giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại các tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Phúc xuống còn 53.000 đồng/kg, còn tại Thái Bình hiện giá lợn hơi đang neo tại ngưỡng cao nhất khu vực là 54.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Thái Nguyên, Phú Thọ và Tuyên Quang.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi không ghi nhận biến động mới và dao động trong khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg. Hiện tại, thương lái tại hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng tiếp tục giao dịch lợn hơi với giá thấp nhất và cao nhất khu vực là 50.000 đồng/kg và 55.000 đồng/kg. Ngoại trừ Đắk Lắk đang thu mua lợn hơi với giá 51.000 đồng/kg, các tỉnh còn lại tiếp tục giao dịch ổn định trong khoảng 52.000 - 54.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh trái chiều từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Hậu Giang hạ nhẹ một giá xuống còn 53.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, Đồng Nai, Vũng Tàu và Sóc Trăng cùng nhích 1.000 đồng/kg lên mức 53.000 đồng/kg. Cùng mức tăng trên, lợn hơi tại Tiền Giang và Bạc Liêu đang được thu mua ở mức 54.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực hiện đang là 55.000 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Cần Thơ sau khi tăng 2.000 đồng/kg, ngang bằng với Cà Mau.

Năm 2023, giá lợn được kỳ vọng tăng 5%  - Ảnh 1.

Giá lợn hơi ngày 6/12 vẫn đi ngang tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên và tăng/giảm nhẹ 1.000 – 2.000 đồng/kg tại khu vực miền Bắc, miền Nam.

Giá lợn hơi trên cả nước có xu hướng giảm trong nửa cuối tháng 11/2022 do sức mua trên thị trường yếu, trong khi nguồn cung thịt lợn dồi dào, mặc dù chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn đứng ở mức cao. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ở hầu hết các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 52.000-56.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2022. Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 52.000-56.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2022. Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000-55.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2022. 

Thời gian qua, giá lợn hơi ở nhiều địa phương đã xuống thấp dưới 60.000 đồng/ kg, thậm chí có những ngày giảm xuống còn 50.000 đồng/kg. Nguồn cung trong nước đang dư thừa và có nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nới lỏng các rào cản để được bán lợn qua biên giới. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không như kỳ vọng bởi nguồn cung trong nước ở mức cao. Hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn. Với đà tăng trưởng như hiện nay, nếu không gặp bất lợi về dịch bệnh thì nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sẽ được đảm bảo. 

Trong năm 2023, giá lợn được kỳ vọng tăng 5% nhờ những yếu tố nào?

Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn (tăng 5-5,5% so với năm 2022); Sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn (tăng 4%); Sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn (tăng 4,8% so với năm 2022). 

Trong năm 2023, giá lợn được kỳ vọng tăng 5% do nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và thiếu hụt nguồn cung khi các hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá lợn giảm trong thời gian gần đây, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam. 

Đối với chi phí đầu vào, giá hàng hóa có khả năng giảm trong năm 2023 do lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực do xung đột giữa Nga và Ukraine đã lắng xuống khi các nước xuất khẩu khác tăng nguồn cung. Ngoài ra, ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm nhờ lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi kể từ quý II/2023, kéo theo nhu cầu ăn uống tăng.

Năm 2023, giá lợn được kỳ vọng tăng 5%  - Ảnh 2.

Các nhà phân tích dự báo, giá thịt lợn tại Trung Quốc sẽ duy trì ở mức cao từ nay cho đến đầu năm 2023 do nguồn cung thấp hơn, mặc dù họ cảnh báo nhu cầu có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống Covid-19 của Trung Quốc.

Trong tháng 11/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ có nhiều biến động, sau khi tăng lên 85,6 UScent/lb vào ngày 16/11/2022, giá giảm trở lại. Ngày 28/11/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn gần ở mức 83,75 UScent/lb, giảm 1,3% so với cuối tháng 10/2022, nhưng vẫn tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021. Giá lợn tại Hoa kỳ giảm do nhập khẩu toàn cầu yếu cùng với nhu cầu sụt giảm ở một số nước sản xuất hàng đầu.

Tại Trung Quốc, tháng 11/2022, giá lợn hơi và thịt lợn tại Trung Quốc có xu hướng giảm trở lại trong mấy phiên gần đây, nhưng vẫn đứng ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm do người dân găm hàng và lượng tồn kho thấp. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), để duy trì nguồn cung và ổn định giá, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành 7 lần “mở kho” dự trữ thịt lợn để cung cấp cho thị trường, đồng thời kêu gọi chính quyền các địa phương tăng cường mở kho dự trữ thịt lợn của địa phương. Trong tương lai, nguồn cung thịt lợn sẽ tiếp tục tăng trên thị trường và giá thịt lợn của Trung Quốc dự kiến sẽ tương đối ổn định.

Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo, giá thịt lợn tại Trung Quốc sẽ duy trì ở mức cao từ nay cho đến đầu năm 2023 do nguồn cung thấp hơn, mặc dù họ cảnh báo nhu cầu có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống Covid-19 của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cho rằng, việc người chăn nuôi lùi thời gian giết mổ lợn để vỗ béo chúng nhiều hơn là nguyên nhân dẫn đến sự leo thang của giá lợn, nhưng các nhà phân tích cho rằng nguồn cung thịt lợn của Trung Quốc đã giảm đáng kể từ mùa Đông năm 2021. 

Theo Ngân hàng Rabobank, Trung Quốc được dự báo tăng nhập khẩu thịt lợn trong những tháng tới, sau khi nông dân nuôi lợn thua lỗ suốt năm 2021 nên hạn chế tái đàn, khiến sản lượng lợn hơi sụt giảm mạnh hơn dữ liệu công bố chính thức. Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc năm 2023 dự báo sẽ cao hơn so với năm 2022. 

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 10/2022, Trung Quốc nhập khẩu 628 nghìn tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), trị giá 2,84 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 4,7% về trị giá so với tháng 9/2022; So với tháng 10/2021 giảm 5,5% về lượng, nhưng tăng 17,4% về trị giá. Lũy kế 10 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 6,03 triệu tấn thịt, trị giá 25,99 tỷ USD, giảm 25% về lượng và giảm 4,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Hoa Kỳ, Newzeland, Argentina và Úc. 

Tháng 10/2022, Trung Quốc nhập khẩu 250 nghìn tấn thịt trâu, bò (HS 0201, 0202), với trị giá 1,66 tỷ USD, tương đương về lượng, nhưng giảm 1,5% về trị giá so với tháng 9/2022; Tuy nhiên so với tháng 10/2021 tăng 22% về lượng và tăng 34,8% về trị giá. Tính chung 10 tháng năm 2022, nhập khẩu thịt trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh của Trung Quốc đạt 2,2 triệu tấn, trị giá 14,72 tỷ USD, tăng 12,8% về lượng và tăng 45,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Argentina, Urugoay, Hoa Kỳ, Úc... Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt trâu, bò cho Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022, chiếm 41% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt trâu, bò của Trung Quốc. 

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc trong tháng 10/2022 tăng so với tháng trước, nhưng vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 10/2022, Trung Quốc nhập khẩu 160 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), với trị giá 385,19 triệu USD, tăng 6,7% về lượng và tăng 5,6% về trị giá so với tháng 9/2022; Tuy nhiên so với tháng 10/2021 giảm 20,6% về lượng và giảm 17,5% về trị giá. Tính chung 10 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,38 triệu tấn thịt lợn, trị giá 2,94 tỷ USD, giảm 58,7% về lượng và giảm 68,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Brazil, Đan Mạch, Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada... Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022, chiếm 28,2% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, với 830,96 triệu USD, giảm 71,2% so với cùng kỳ năm 2021. 

Theo số liệu của Rosstat, sản lượng thịt của Nga trong 10 tháng năm 2022 đạt 2,75 triệu tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi, ướp lạnh đạt 2,5 triệu tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021; Sản lượng thịt gia cầm ướp lạnh đạt 2,8 triệu tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2021.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục