Ngân hàng Nhà nước "lập rào" ngăn rửa tiền từ cho vay ngang hàng, dịch vụ tài sản ảo

20/06/2022 08:45 GMT+7
Hoạt động trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng, cung cấp dịch vụ tài sản ảo tiềm ẩn rủi ro rửa tiền, song vẫn bị "lọt lưới". Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị bổ sung vào danh sách đối tượng phải báo cáo theo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi).

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Trong đó, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung một số hoạt động kinh doanh mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền mà tổ chức thực hiện hoạt động đó phải thực hiện báo cáo.

"Ngăn" rửa tiền từ cho vay ngang hàng, dịch vụ tài sản ảo

Các tổ chức này bao gồm: các tổ chức được cấp phép thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ (cho vay ngang hàng).

Ngân hàng Nhà nước "lập rào" ngăn rửa tiền từ cho vay ngang hàng, dịch vụ tài sản ảo - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước "lập rào" ngăn rửa tiền từ cho vay ngang hàng, dịch vụ tài sản ảo. (Ảnh: NLD)

Theo Ngân hàng Nhà nước, Luật Phòng chống rửa tiền hiện hành quy định 2 nhóm gồm: các tổ chức tài chính; và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan.

Tuy nhiên, hiện nay có một số hoạt động mới phát sinh như các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ...

Khung pháp lý của các hoạt động này đang trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn thiện, tuy nhiên trong trường hợp khung pháp lý về cấp phép, quản lý của các hoạt động này được ban hành thì quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền hiện nay sẽ chưa bao quát được các hoạt động mới phát sinh này.

Đây là các hoạt động có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền, do các hoạt động này hầu hết được thực hiện trực tuyến nên các bên tham gia giao dịch có tính ẩn danh cao.

Do đó, việc bổ sung đối với hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ sẽ tạo cơ sở pháp lý để quản lý về phòng chống rửa tiền đối với các tổ chức này ngay khi có khung pháp lý điều chỉnh.

Phù hợp xu hướng chung của pháp luật về phòng chống rửa tiền của thế giới

Quy định tại dự thảo Luật cũng phù hợp với xu hướng chung của pháp luật về phòng chống rửa tiền của các quốc gia trên thế giới.

Ví dụ liên quan đến các tổ chức tài chính được cấp phép thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP), có hơn 90 quốc gia đã quy định các tổ chức này là đối tượng báo cáo tại pháp luật về phòng chống rửa tiền trong khi các nội dung về cấp phép, quản lý được quy định tại một văn bản chuyên ngành riêng.

Về hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tại khuyến nghị số 15 của FATF (lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính) yêu cầu các quốc gia phải: xác định và đánh giá các rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố phát sinh từ các hoạt động tài sản ảo và các hoạt động của các VASP; yêu cầu các VASP thực hiện các bước thích hợp để xác định, đánh giá, quản lý và giảm thiểu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố của họ.

Ngân hàng Nhà nước "lập rào" ngăn rửa tiền từ cho vay ngang hàng, dịch vụ tài sản ảo - Ảnh 3.

Việt Nam chưa có báo cáo đánh giá rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố liên quan đến tài sản ảo (Ảnh: SHUTTERSTOCK)

Theo đánh giá của APG (Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền) tại báo cáo đánh giá đa phương, một trong các lý do Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu tại khuyến nghị 15 của FATF là do: Việt Nam chưa có báo cáo đánh giá rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố liên quan đến tài sản ảo; các VASP không có nghĩa vụ phải nhận diện, đánh giá, quản lý và giảm thiểu rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố...

Do đó việc đưa quy định đối tượng báo cáo là các VASP tại dự thảo Luật cũng nhằm đáp ứng một phần khuyến nghị của FATF và đánh giá của APG.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của bộ, ngành, trong đó bổ sung trách nhiệm trong việc thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành về phòng chống rửa tiền thuộc lĩnh vực quản lý; bổ sung trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý về phòng, chống rửa tiền với các tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý, đá quý, những lĩnh vực mới phát sinh đối tượng báo cáo, bảo đảm phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và tính thống nhất với quy định pháp luật liên quan.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục