Ngân hàng thế giới lại hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019
Trong cả ngắn và dài hạn, triển vọng kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có các rào cản thương mại và nợ chính phủ gia tăng, nhiều nền kinh tế lớn giảm tốc.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 2,6%, trong bối cảnh thế giới đối mặt với tranh chấp thương mại căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, đầu tư và tín nhiệm toàn cầu sụt giảm.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu do WB công bố ngày 4/6, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới năm 2019 có thể sẽ thấp hơn 0,3% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 1 vừa qua và thấp hơn mức tăng trưởng 3% của năm 2018.
WB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 ở mức 2,7%, thậm chí có thể giảm xuống 1,7% nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang. Khối lượng thương mại toàn cầu nhiều khả năng cũng giảm mạnh, chỉ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, thấp hơn 1% so với mức dự báo được đưa ra trong tháng 1 và là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008.
Cũng theo báo cáo, tăng trưởng GDP của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có nguy cơ giảm xuống mức dưới 6% lần đầu tiên kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á cách đây 20 năm.
Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi năm 2019 dự kiến giảm xuống mức 4%, mức thấp nhất trong 4 năm qua do tác động của bất ổn chính trị và tài chính. Tuy nhiên, những nền kinh tế này sẽ phục hồi lên mức 4,6% vào năm 2020.
Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển tăng trưởng chậm, dự báo chỉ đạt 1,7% trong năm nay, trong đó kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng 1,2%. Báo cáo giữ nguyên dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ 2,5% năm 2019 và giảm xuống mức 1,7% năm 2020. WB cũng giữ nguyên dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm nay ở mức 6,2%.
Trả lời báo giới, Chủ tịch WB David Malpass cho biết trong cả ngắn và dài hạn, triển vọng kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có các rào cản thương mại và nợ chính phủ gia tăng, nhiều nền kinh tế lớn giảm tốc.
Ông Malpass nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế mạnh là yếu tố thiết yếu để giảm đói nghèo và cải thiện mức sống của người dân. Do đó, ông khuyến cáo các chính phủ nên khẩn trưởng tiến hành những chương trình cải cách cơ cấu quan trọng giúp cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời ưu tiên minh bạch hóa và kiểm soát nợ chính phủ.
Ngày 9/4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, trong đó cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 từ 3,5% xuống còn 3,3%. Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu, cho rằng kinh tế thế giới đã mất động lực sau những cú sốc từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, căng thẳng thương mại gia tăng cũng như các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn.