Nghề thú y ở nông thôn thời nay: Vui buồn, sống chết với nghề
Nhà nông xem cán bộ thú y là bạn. Gặp lúc xe thú y hỏng hoặc hết xăng giữa đường, người ta sẵn sàng tìm mọi cách giúp.
Mấy ngày trời theo chân các cán bộ thú y, tôi ngẫm ra nhiều điều. Ở nông thôn, dù đơn chiếc hay chật vật, mỗi nhà luôn có 1 hoặc nhiều loài vật nuôi. Ngoài trâu, bò, dê, chó, heo, gà, vịt ...còn có thêm lợn rừng, hươu, chồn… Mỗi loài đều có đặc điểm sinh trưởng và phát triển riêng nên bệnh trạng cũng khác nhau. Hơn nữa, gần đây, do nhu cầu lai tạo giống mới ngày càng cao, đòi hỏi người làm thú y ở nông thôn phải giỏi toàn diện từ chữa bệnh đến phối tinh, đỡ đẻ và cả việc mổ - may.
Ảnh minh họa.
Dân cư nông thôn không tập trung ở một nơi. Thường mỗi xã có từ 7 – 12 thôn, mỗi thôn có từ 4 – 8 xóm. Xóm ở đây lại có thêm chòm. Nhiều xóm, chòm cách nhau mấy quả đồi hoặc cả một cánh đồng cò bay thẳng cánh. Vật nuôi của nông dân thường nhốt tại chuồng là heo, thả rông ngoài vườn, rẫy là trâu, bò và gà. Vật nuôi là nửa cơ nghiệp nhà nông, chiếm phần không nhỏ tình cảm của người nuôi. Hiểu được điều này nên khi nhận được điện thoại giúp trị bệnh, người làm thú y phải đi ngay.
Nhiều năm qua, tại tỉnh Bình Định không có dịch vật nuôi bùng phát là điều đáng mừng, trong đó có đóng góp rất lớn của lực lượng thú y viên. Anh Diệt khoe: “Hiện nay, bò nuôi trong nhân dân đã lai tạo giống ngoại gần 85%, góp phần nâng cao năng suất vật nuôi, gia tăng thu nhập, làm thay đổi diện mạo ngành chăn nuôi nông thôn. Thành quả này có được là nhờ công sức những người làm thú y chuyên nghiệp”.
Vui hơn là người làm thú y có công việc ổn định, thu nhập thường xuyên, đủ để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Nhiều người còn mở thêm dịch vụ bán thức ăn tổng hợp cho gia súc, gia cầm để giải quyết việc làm cho vợ con…
Vui cũng có mà buồn cũng không ít. Tôi hỏi anh Diệt có khi nào tiêm không hết bệnh, bò chết thì làm sao? Anh cười: “Làm sao tránh khỏi nhưng chỉ những con bệnh lâu, kiệt sức và phát hiện muộn. Buồn là người dân luôn xem tiêm phòng là làm nóng, chậm phát triển gia súc. Đợt tiêm phòng nào, cán bộ thú y cũng đi vận động đến méo miệng nhưng người ta vẫn viện đủ lý do để trì hoãn. Đến khi vật nuôi đổ bệnh nặng, mới vội vã chạy mua thuốc về kêu thú y đến nhờ tiêm giùm. Mua thuốc đã khó, đắt tiền, về dùng không hết phải bỏ, rất uổng phí”.
Hiện nay, mỗi xã nông thôn ở tỉnh Bình Định có từ 6 – 7 thú y viên, mỗi huyện có từ 60 – 80 người nhưng người sống được với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người cả năm chỉ cầm được kim tiêm vài lần trong đợt tiêm phòng. Mà ít việc thì đương nhiên ít tiền, lấy gì nuôi vợ con.
Số lượng vật nuôi ở nông thôn rất lớn. Mỗi xã có từ 3.000 - 4.000 con trâu bò, 1.500 – 2.500 con heo và hàng nghìn con gia cầm các loại. Trong khi đó, người làm thú y chuyên nghiệp lại quá mỏng. Có xã 1 - 2 người. Nhiều xã không có người nào. Đây là bất cập trong chăn nuôi ở nông thôn. Từ đây, áp lực công việc đè nặng lên đôi tay người làm thú y chuyên nghiệp, khiến họ mệt nhoài quanh năm suốt tháng.
Xung quanh chuyện tai nạn trong khi tiêm phòng dịch bệnh gia súc, nhiều thú y viên rất lo lắng. Bởi hiện nay chưa có văn bản nào quy định việc trợ cấp hay hưởng chế độ tai nạn lao động cho thú y viên. Người làm thú y bị gãy chân tay hoặc vỡ xương mặt… đều phải tự bỏ tiền chữa trị. Chính quyền, đoàn thể ở địa phương thương thì vận động quyên góp hỗ trợ, không thì thôi.