Nghiên cứu của Grant Thornton: 6 nhóm ngành sẽ hút vốn tư nhân 2019
Trong Báo cáo Triển vọng đầu tư tư nhân tại Việt Nam năm 2019 do Hãng kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton công bố, các nhà đầu tư tư nhân đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư mới ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Nguyên nhân là do, năm 2019 kinh tế tư nhân được dự báo sẽ trở thành một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là nhóm các công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ (năm 2018, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam thu hút tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, gấp 3 lần so với năm 2017).
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân,… Điều này càng khẳng định hơn về sức hút đầu tư của khu vực tư nhân.
Về triển vọng tương lai, Grant Thornton dự báo, tại Việt nam 6 nhóm ngành có sức hút lớn đối với các quỹ đầu tư tư nhân trong 12 tháng tới bao gồm: Công nghệ tài chính (Fintech), giáo dục, năng lượng tái tạo, y tế và dược phẩm, thương mại điện tử, tận tải và giao nhận.
Việc cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp (DN) Nhà nước được dự báo sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm nay. Điều này kì vọng sẽ đem đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn trong năm 2020.
Trên thực tế, các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là một trong các điểm đến đầu tư tư nhân hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Bà Leow Siu Lin, Tổng Lãnh sự Singapore tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều bởi môi trường đầu tư được cải thiện cùng các chính sách ưu đãi nhà đầu tư hấp dẫn mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện.
“Mối quan hệ hai nước đang phát triển mạnh và danh mục mà các công ty Singapore đang đầu tư ngày càng lớn mạnh ở Việt Nam là minh chứng cho niềm tin của doanh nghiệp Singapore với Việt Nam trong dài hạn”, bà nhấn mạnh.
Ông Faizal Izany Mastor, Tham tán Thương mại, Lãnh sự quán Malaysia, Phòng Thương vụ (MATRADE) tại TP. Hồ Chí Minh- cho hay, tính đến nay Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ 8 ở Việt Nam với 586 dự án đầu tư trị giá 12,48 tỷ USD. Theo ông Faizal Izany Mastor, Việt Nam là “Trung tâm sản xuất của Đông Nam Á” nhờ các chính sách đầu tư hấp dẫn, chi phí sản xuất hợp lý, nguồn nhân lực dồi dào, quy trình cấp phép cũng như cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất được cải thiện.
Hiện tại những lĩnh vực DN Malaysia quan tâm đầu tư tại Việt Nam bao gồm năng lượng tái tạo, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông, các ngành hỗ trợ, giáo dục và đào tạo, y tế cũng như ngành công nghiệp thực phẩm.
Mặc dù đánh giá cao môi trường và tiềm năng đầu tư tại Việt Nam song các DN cũng cho rằng có những hạn chế về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính mà Việt Nam cần phải cải thiện nhiều hơn.
“Chúng tôi mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đưa ra các điều kiện kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cơ sở tầng giao thông tích hợp, chính sách bền vững trong việc quản lý chi phí kinh doanh, thủ tục hành chính minh bạch và đơn giản hơn cũng như các chính sách được cập nhật với thay đổi trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu như Cách mạng Công nghiệp 4.0”, ông Faizal Izany Mastor nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, năng lực quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, Việt Nam chỉ được chấm 41,3 điểm, trong khi Thái Lan được chấm 82 điểm và mức trung bình trong khu vực ASEAN là 71 điểm một khoảng cách khá xa so với nhiều quốc gia.
Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự đầu tư và chú trọng vào việc xây dựng hệ thống quản trị công ty bài bản, hiệu quả. Điều này là một trong những yếu tố làm suy giảm năng lực cạnh tranh, gây cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.