Ngư dân phấn khởi được mùa cá hố
Khắp các cảng cá, các bãi biển ở các xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Minh, Bình Nam (Thăng Bình) và ở Núi Thành (Quảng Nam) hay ở Bình Sơn (Quảng Ngãi), hàng trăm ngư dân đang rất phấn khởi vì bắt đầu vào mùa cá hố, trong khi giá mặt hàng này đang tăng cao.
Cứ mỗi chuyến ra khơi kéo dài từ 7 đến 15 ngày, sản lượng khai thác trung bình của ngư dân Quảng Nam đã đạt từ 3-6 tấn cá hố và vài chục tấn cá các loại. Sản lượng khai thác biển tăng mạnh là tín hiệu khả quan cho ngành thủy sản cũng như với ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi những ngày đầu năm.
Sau những chuyến ra khơi, chiếm phần nhiều trong mẻ cá biển đầu năm thường là những con cá hố với lớp phấn ánh bạc sáng trưng, mới nhìn đã thích mắt. Cá hố là loại cá đặc biệt được mệnh danh là cá biển mình rồng bởi vẻ ngoài lấp lánh ánh bạc cùng vây chạy dọc sống lưng. Chúng có thân hình dài (trung bình từ 60–90 cm), dẹt một bên, có răng nhọn. Tuy là loài cá dữ, khó đánh bắt nhưng với giá trị dinh dưỡng cao, cá hố được xếp vào loại thực phẩm bổ dưỡng dành cho nhiều người.
Bắt đầu có lác đác từ đầu tháng Chạp, nhưng qua Tết là thời điểm cá hố bắt đầu được mùa và to mập, béo thơm nhất. Theo những vị cao niên miền biển ở xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết, mùa đánh bắt cá hố chủ yếu từ tháng Giêng cho đến tháng 2 âm lịch vì thời điểm này cá hố về nhiều.
Các ngư dân thường ra khơi đánh bắt từ 3-4 ngày sau đó trở vào bờ, mỗi chuyến đi biển trở về cá hố đầy khoang nên ai cũng phấn khởi. Nhưng nghề đi biển cũng lắm kỹ nghệ, bởi chỉ có những ngư dân dày dạn kinh nghiệm mới nhìn thấy được luồng cá hố hoạt động, thêm vào đó là nhờ trợ giúp của máy định dạng và định vị.
Anh Nguyễn Tấn, một ngư dân chuyên câu cá hố cho biết, mỗi chuyến câu cá hố cần một số loại cá nhỏ để làm mồi. Khi tàu ra đến vùng biển cần thiết, ngư dân sẽ móc mồi, bủa câu cá hố trong một khoảng biển rộng vài hải lý. Mỗi ngày sẽ thu lưới một lần bằng máy nên công việc của ngư dân cũng khá nhàn nhã.
Sau khi thu lưới, cá hố sẽ được gỡ cẩn thận, tránh xây xước, bảo quản trong thùng xốp ướp đủ đá lạnh nhằm đảm bảo chất lượng. Sau đó cá hố được vận chuyển từ ngoài khơi về đất liền, một phần được mang ra chợ bán tươi, một phần ngư dân đem ướp muối 2 ngày. Sau đó đem phơi dưới trời nắng cho khô tự nhiên.
Những sáng sớm, người dân đã thu mua cá hố tươi do ngư dân đi đánh lưới ngoài biển về. Cá hố trắng rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng, vì thế khi được khai thác, thương lái cũng theo ngư dân ra tận khơi xa thu mua và bảo quản tại chỗ.
Cá hố sau khi đánh bắt về người dân tiến hành mổ bụng cá, làm sạch và xâu vào những sợi lạt tre dài khoảng 5m rồi mang phơi. Dưới cái nắng trên 37 độ, cá được phơi 8 ngày liên tiếp mới khô.
Cá hố tươi mang về phơi khô mặc dù tốn công nhưng khi bán lại rất đắt hàng và cho giá bán cao hơn so với bán cá tươi. Trung bình 2kg cá hố tươi sau khi phơi khô đủ nắng tôi thu được khoảng 1kg cá khô và bán với giá hơn 100.000 đồng. Cá phơi khô sẽ đem bán với giá trên 100.000 đồng/kg.
Thịt cá hố rất thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng, cá hố trắng xuất khẩu hiện có giá cao (70.000-75.000 đồng/kg). So với các năm trước, giá cá hố năm nay tăng cao, cá hố tươi sau khi đánh bắt mang về bán với giá 30.000 đến 35.000 đồng/kg, có thời điểm giá cá hố tươi lên tới 50.000 đồng/kg nhưng không có cá để bán vì hầu hết người dân thường mang cá về phơi khô. Bình quân mỗi thuyền khai thác cá hố đạt từ 20-25 triệu đồng/tháng (thu nhập bình quân lao động nghề biển đạt 6-7 triệu đồng/người/tháng).