"Người đàn bà thép" đứng sau kế hoạch dự phòng của Huawei
Teresa He Tingbo từng khiến báo chí Trung Quốc dậy sóng sau tuyên bố HiSilicon đã dành nhiều năm, nhiều tâm sức cho một kế hoạch dự phòng trong trường hợp Huawei đối mặt với một kịch bản cấm vận khắt khe từ Mỹ khiến chuỗi cung ứng linh kiện bị chặt đứt. Và Huawei giờ đây thậm chí đã phát triển thành công hệ điều hành cho riêng mình mang tên Hongmeng (Hồng Mông) có khả năng vận hành ngay trong năm nay một khi bị buộc đình chỉ hợp tác với Google Android.
Trước khi tiết lộ này được phơi bày trên mặt báo hồi tuần trước, hầu như không ai biết về Teresa He Tingbo - một trong 3 nữ giám đốc quyền lực của Huawei. Hai “người phụ nữ thép” khác lần lượt là Chen Lifang - Giám đốc hội đồng quản trị truyền thông Huawei và Sabrina Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Nhưng Mạnh Vãn Châu đã bị bắt tại Canada sau hàng loạt cáo buộc vi phạm lợi ích an ninh quốc gia từ Nhà Trắng, và chỉ có Teresa He Tingbo là người phụ nữ bước lên “tiền tuyến” giữa những nỗ lực triệt hạ Huawei của Mỹ.
Teresa He Tingbo - một trong 3 nữ giám đốc quyền lực của Huawei
Teresa He Tingbo sinh năm 1969. Bà có bằng Thạc sĩ Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh trước khi gia nhập Huawei năm 1996 và trở thành kỹ sư trưởng, giám đốc dự án nghiên cứu và phát triển ASIC tại HiSilicon. Trước tuyên bố ngày 17/5 về kế hoạch dự phòng của Huawei gây chấn động làng công nghệ, đó là toàn bộ thông tin ít ỏi mà công chúng được biết về Teresa He.
Trả lời trong một cuộc phỏng vấn đài truyền hình Trung ương quốc gia CCTV hôm Chủ nhật 26/5 vừa qua, ông Nhậm Chính Phi cho hay sự hiện diện trước giới truyền thông của bà Teresa He Tingbo ít đến mức các bức ảnh về chủ tịch HiSilicon lan truyền trên mạng xã hội trước đây hầu hết không phải bà.
“Tại sao chúng ta phải công bố cho thế giới biết về những gì HiSilicon đã đạt được? Những người đứng trên bục, nhận giải thưởng từ quốc gia trong các sự kiện vinh danh thường không phải nhà phát minh thực sự. Ít nhất, Huawei sẽ không để nhà phát minh thực sự của chúng tôi đi nhận giải thưởng”.
HiSilicon dự kiến sẽ đảm bảo nguồn cung con chíp cho hoạt động sản xuất và vận hành thiết bị điện tử của Huawei trong bối cảnh lệnh hạn chế thương mại
Cũng trong một cuộc phỏng vấn, Teresa He đã so sánh những nỗ lực âm thầm của HiSilicon với “chiếc lốp dự phòng” để đảm bảo an toàn chiến lược cho hầu hết mọi sản phẩm của Huawei ngay khi lệnh hạn chế thương mại bắt đầu áp dụng.
Cụ thể, theo kịch bản hạn chế thương mại được Huawei đặt tên là “Ngày tận thế”, giả định Mỹ sẽ cắt đứt quyền truy cập mọi ứng dụng công nghệ tiên tiến cả nguồn cung con chíp, linh kiện điện tử, thì HiSilicon sẽ cung cấp tất cả chipset thay thế tương tự như những gì Qualcomm và Intel cung cấp, để duy trì quá trình sản xuất smartphone và thiết bị viễn thông của Huawei.
Một báo cáo hiếm hoi từ trang Huxin tiết lộ, khi HiSilicon chính thức trở thành công ty con của Huawei năm 2004, Nhậm Chính Phi tuyên bố sẽ cho Teresa He quyền quản lý một đội ngũ nghiên cứu và phát triển gồm hơn 20.000 nhân viên, với số vốn đầu tư 400 triệu USD mỗi năm cho lĩnh vực thiết kế chíp. Thời điểm đó, Huawei chỉ có tổng cộng 30.000 nhân viên trong khi số vốn ngân sách nghiên cứu và phát triển hàng năm chỉ đạt dưới 1 tỷ USD.
Rõ ràng, HiSilicon từ lâu đã là niềm hy vọng của Huawei, cũng là kẻ gánh trọng trách nặng nề đảm bảo an toàn chiến lược cho sự phát triển của đế chế cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới. Và HiSilicon, dưới sự dẫn dắt của Teresa He Tingbo rõ ràng đã không làm Nhậm Chính Phi thất vọng.
Trong vài năm gần đây, Teresa He đã lãnh đạo hơn 7,000 nhân viên và chuyên viên tại các cơ sở của HiSilicon trong nước và nước ngoài trong một dây chuyền thiết kế mạch tích hợp và con chíp khổng lồ. Nền tảng sản xuất con chíp được cấp phép bởi ARM Holdings và chế tạo bởi những nhà sản xuất chíp đang hợp tác với HiSilicon. Các mẫu con chíp mà HiSilicon thiết kế đã được công nhận tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã sẵn sàng sử dụng trong thiết bị smartphone, máy tính bảng, máy chủ và cả camera an ninh của Huawei.
HiSilicon có doanh thu tăng 34.2% vào năm 2018, dự kiến sẽ vượt qua MediaTek của Đài Loan để trở thành công ty thiết kế con chíp lớn nhất Châu Á. Theo ước tính của Digitimes Research, khoảng cách doanh thu giữa HiSilicon và MediaTek năm 2018 là khoảng 300 triệu USD, nhưng MediaTek hầu như không tăng trưởng trong năm ngoái còn HiSilicon lại chứng kiến những bước tăng trưởng ngoạn mục.
Trước khi có giấy phép nới lỏng hạn chế thương mại 90 ngày, hàng loạt nhà cung cấp con chíp, linh kiện bán dẫn Mỹ bao gồm Intel, Qualcomm và Xilinx đã tuyên bố đình chỉ quan hệ hợp tác với Huawei. Ngay cả Google, Microsoft Corp cũng ngừng cung cấp phần mềm, phần cứng và ứng dụng cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc để hưởng ứng lệnh cấm vận từ Bộ Thương Mại.
Nếu không có một thỏa thuận thương mại trong tương lai gần giữa Mỹ và Trung Quốc, và Mỹ không sớm dỡ bỏ lệnh hạn chế thương mại nhắm vào Huawei, thì HiSilicon sẽ trở thành nguồn cung cấp con chip điện tử chủ lực cho đế chế viễn thông Trung Quốc.