Nguồn cung khan hiếm, nhu cầu phục hồi thúc đẩy giá tiêu cán mốc 100.000 đồng/kg vào cuối năm?

08/07/2021 07:11 GMT+7
Giá tiêu hiện đã tăng khoảng 40% so với hồi đầu năm nhờ tín hiệu tích cực từ nhu cầu, bên cạnh việc nguồn cung đang giảm. Cục Xuất nhập khẩu cho rằng giá tiêu sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Giá tiêu tăng 40% từ đầu năm đến nay

Theo dữ liệu của trang Tin Tây Nguyên, giá tiêu hiện đang ở mức 72.000 - 75.000 đồng/kg, tăng tới 40% so với hồi đầu năm.

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 6 đạt 3.529 USD/tấn, tăng 3% so với tháng 5 và tăng 52,5% so với tháng 6/2020.

Tính chung nửa đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu ước đạt 3.216 USD/tấn, tăng tới 51% so với cùng kỳ năm 2020

Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam thời gian tới sẽ khá thuận lợi do nhu cầu từ phía đối tác tăng. Giá hạt tiêu có xu hướng tăng do nguồn cung khan hiếm.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ước tính sản lượng tiêu năm nay có thể giảm 25-30% còn khoảng 180.000 tấn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu 2020. Hiện Việt Nam là quốc gia có sản lượng tiêu lớn nhất thế giới với tỷ trọng lên tới khoảng 50%.

Bên cạnh đó, nguồn cung của nhiều nước xuất khẩu tiêu lớn trên thế giới được dự báo sẽ giảm. VPA cho biết thêm lượng tồn kho hiện tại của Brazil tương đối thấp và sản lượng được dự báo sẽ giảm mạnh trong năm 2021. 

Theo Reuters, trong giai đoạn tháng 6-9, khả năng Brazil sẽ đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 91 năm qua. Điều này đưa ra dự báo sẻ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của Brazil, trong đó có hồ tiêu. 

Tại Indonesia, vùng Lampung bắt đầu thu hoạch tiêu đen và một số nông dân vùng Bangka và Belitung vào vụ tiêu trắng. Nhà đầu cơ bắt đầu mua tiêu từ nông dân. 

Theo một số nguồn tin, sản lượng hồ tiêu Indonesia năm 2021 có thể giảm nhẹ so với dự báo trước đó do nhiều nông dân chuyển đổi cây trồng và hạn chế chăm sóc vườn tiêu. Theo đó, giá tiêu Lampung đang có xu hướng tăng. 

Còn tại Ấn Độ, sau thời gian gián đoạn do đại dịch, hoạt động mua bán và sản xuất được mong đợi phục hồi nhờ sự kích thích nhu cầu trong nước. 

Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng sản xuất cho nhà máy chế biến. Khó khăn về nguồn cung đã đảy giá hồ tiêu Ấn Độ liên tục. 

Tại Malaysia, các vườn tiêu đang trong giai đoạn chính vụ nhưng việc thu hoạch và cung ứng hàng hóa ra thị trường trở nên khó khăn khi tình hình dịch bệnh đang diễn ra nghiêm trọng. 

Song song với nguồn cung giảm, tình trạng thiếu container rỗng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu khiến hàng đến chậm, gây lên tình trạng thiếu hụt cục bộ. 

Tuy nhiên, bất chấp sự ảnh hưởng của đại dịch, giá tiêu đen và tiêu trắng Malaysia tăng đáng kể trong tháng 5.

Nhu cầu thế giới đang phục hồi

Xét về khía cạnh nhu cầu, thị trường cũng đã thấy những tín hiệu tích cực khi lượng xuất khẩu tăng trở lại sau nhiều tháng giảm liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái do chịu tác động bởi tình trạng thiếu thiếu vỏ container rỗng.

 - Ảnh 1.

Lượng xuất khẩu hạt tiêu qua các tháng giai đoạn 2019-2021. Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 6 đạt 34 nghìn tấn, trị giá 120 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 25% về trị giá so với tháng 5, so với tháng 6/2020 tăng 69% về lượng và tăng 157% về trị giá.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 155 nghìn tấn, trị giá 500 triệu USD, giảm 7% về lượng, nhưng tăng 41% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trao đổi với người viết, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) nhận định: "Theo kinh nghiệm nhiều năm quan sát trong ngành, thông thường tháng 6 xuất khẩu hồ tiêu sẽ khá thấp nhưng năm nay lượng xuất khẩu bất ngờ tăng mạnh. 

Điều này chứng tỏ nhu cầu tiêu ở các thị trường lớn đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Bên cạnh đó, lượng tồn kho của các khách hàng cũng không còn nhiều".

Ông Bính nói thêm do những năm qua sản lượng hồ tiêu nguồn cung dồi dào, giá thấp nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mua trữ và khả năng một thời gian ngắn sẽ tiêu thụ hết số hàng trữ này. 

"Lúc đấy mới lộ rõ việc cần hàng để tiêu thụ nên buộc phải mua nguyên liệu hồ tiêu mà chủ yếu là từ Việt Nam với gần 60% lượng hàng nguyên liệu hồ tiêu của thế giới", ông Bính nhận định.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy xuất khẩu tiêu trong tháng 5 sang Pakistan tăng tới 845% lên 1.077 tấn. 

Hay tại Hàn Quốc, xuất khẩu tiêu tăng gần 200% lên hơn 1.000 tấn. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Ấn Độ tăng mạnh trở lại trong tháng 5 (khoảng 30%), nhưng trong 5 tháng đầu năm nay vẫn giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020 do kết quả không được khả quan ở những tháng trước đó. 

Lượng tiêu nhập khẩu về cũng tăng khá mạnh trong bối cảnh nguồn cung trong nước khan hiếm. Theo thống kê của VPA, trong 5 tháng đầu năm, lượng tiêu nhập khẩu của các doanh nghiệp 16.300 tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong đó, 3 doanh nghiệp top đầu là Olam Việt Nam, Harries Freeman và Gia Vị Sơn Hà nhập khẩu nhiều nhất, đạt hơn 9.700 tấn, chiếm gần 60% tổng lượng tiêu nhập khẩu của các doanh nghiệp. 

Doanh nghiệpLượng nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2021 (tấn)Tăng so với cùng kỳ năm 2020 (%)

Olam Việt Nam

6.979

52

Harries Freeman

1.552

24,8

Gia Vị Sơn Hà

1.238

342

Với những tín hiệu tích cực như hiện nay, ông Bính cho rằng cho rằng đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá tiêu sẽ tốt dần lên và khả năng đến cuối năm giá sẽ đạt từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.



H.Mĩ
Cùng chuyên mục