Nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới tại TP HCM tăng 25%
CBRE Việt Nam vừa công bố báo cáo diễn biến thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê tại Sài Gòn trong quý I/2019 và dự báo cho những quý tới với xu hướng ly tâm mạnh mẽ. Nguồn cung mới tiếp tục tăng lên tại các khu vực vùng ven trong khi trục lõi trung tâm ngày càng khan hiếm mặt bằng thương mại, giá thuê tăng cao.
Đơn vị này cho biết, thị trường bán lẻ tại TP HCM sắp đón một lượng lớn mặt bằng bán lẻ mới hoàn thành trong năm 2019. Nguồn cung lũy kế năm 2019 được dự báo tăng 25% so với năm 2018, chủ yếu tập trung tại phía Đông thành phố. Có tới 6 dự án đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích cho thuê lên tới gần 180.000 m2.
Tổng nguồn cung bán lẻ tại TP HCM trong quý I/2019 tăng 67.200 m2 với một dự án mới tại quận Thủ Đức. Mặc dù nằm tại khu vực ngoài trung tâm, khu thương mại này đã đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90% với hơn 40% diện tích dành cho ngành ẩm thực, giải trí và thể thao.
Giá thuê khu vực trung tâm tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 128,6 USD mỗi m2 một tháng do nhu cầu thuê mặt bằng khu trung tâm vẫn rất cao trong khi nguồn cung hạn chế. Giá thuê khu vực ngoài trung tâm tăng 1% theo năm, đạt 35,7 USD mỗi m2 một tháng. 3 tháng qua tỷ lệ lấp đầy tại khu trung tâm cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây ở TP HCM, xấp xỉ 98%. Tỷ lệ trống tại khu vực ngoài trung tâm cũng ở mức thấp là 7,3%.
Nguồn cung hứa hẹn tăng lên, nhưng do chênh lệch giá chào thuê giữa khu trung tâm và vùng ven khá lớn, giá thuê trung bình toàn thị trường được dự báo vẫn leo thang. Giá thuê trung bình mặt bằng thương mại năm 2019 tại khu trung tâm được dự báo sẽ đạt 134 USD mỗi m2 một tháng (tăng 1,5% so với năm 2018) trong khi vùng ven có thể cán mốc 39 USD mỗi m2 một tháng (tăng 5,4% so với năm 2018).
Nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới tại TP HCM đang tăng mạnh, đổ về các quận vùng ven và tập trung nhiều ở phía Đông thành phố.
CBRE cho rằng có 3 điểm sáng tích cực tạo lực đẩy cho thị trường bán lẻ TP HCM trong năm 2019 và thúc đẩy thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ trở nên sôi động hơn.
Thứ nhất, các thương hiệu F&B nổi tiếng đến từ các quốc gia châu Á Thái Bình Dương cùng với các thương hiệu thời trang bình dân đến từ châu Âu sẽ tiến vào thị trường TP HCM. Do mức độ khan hiếm nguồn cung khu vực trung tâm, chủ mặt bằng sẽ là bên quyết định giá và khách thuê.
Thứ hai, TP HCM là nơi được nhiều thương hiệu trong và ngoài nước lựa chọn để mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam (thường được gọi là cửa hàng "pop-up"). Đây là các gian hàng có thiết kế ấn tượng, độc đáo nhằm kích thích sự tò mò ở khách hàng và thu hút nhiều người ghé thăm. "Pop-up" là phép thử phù hợp với rủi ro thấp cho những nhà bán lẻ muốn hiểu thêm về thị trường mới phát triển này, ngày càng trở nên phổ biến.
Thứ ba, các nhà bán lẻ trực tuyến sẽ tiếp tục hoạt động tích cực trong năm 2019 với nền tảng về thương mại điện tử và logistics đã và đang được đầu tư phát triển. Theo báo cáo của Euromonitor, doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng 32% trong năm 2018, đạt 1,65 tỷ USD. Doanh thu bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hơn 20% trong ba năm tới.