Nguồn cung tôm sẽ tăng mạnh, giá có dấu hiệu giảm
Dự báo, từ tháng 6/2019 mức cung tôm sẽ tăng mạnh, nhất là do các nước vào vụ thu hoạch như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc. Giá tôm có thể giảm 10.000-15.000 đồng/kg so với giá tuần cuối tháng 5/2019, cụ thể vào thời điểm vào vụ cao điểm tôm cỡ 40 con/kg giá 115.000 đ/kg, tôm 70 con còn 85.000 đồng/kg.
Nguồn cung tôm sẽ tăng mạnh, giá sẽ giảm. Ảnh: XT.
Do từ đầu năm đến nay thời tiết khá thuận lợi, tình hình thị trường cung ứng tôm trong năm 2019 từ các nước nuôi tôm có sản lượng lớn như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan đều tăng hơn năm 2018. Trong khi mấy năm gần đây tôm cỡ lớn từ Ấn Độ quá nhiều, xu hướng thị trường thiếu tôm cỡ nhỏ từ 70-100 con. Mỗi năm nhu cầu thị trường tăng trưởng tự nhiên 3-4%, nhu cầu sẽ tăng nếu giá giảm.
Theo Tổng cục Thủy sản, qua 5 tháng đầu năm 2019 diện tích thả nuôi tôm cả nước đạt trên 634.200 ha, bằng 100,5% so cùng kỳ năm 2018 (trong đó tôm sú trên 581.800 ha, tôm chân trắng hơn 52.300 ha). Sản lượng thu hoạch đạt 211.800 tấn, bằng 102,3% so cùng kỳ năm 2018 (trong đó tôm sú hơn 121.800 tấn, tôm thẻ hơn chân trắng 89.900 tấn).
Khuyến cáo của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, muốn tăng sức cạnh tranh cho tôm Việt Nam, người nuôi tôm cần hướng tới nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế thị trường yêu cầu như ASC, BAP…để dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối thủy sản cao cấp, có giá tiêu thụ tốt.
Các giải pháp cần thiết trong thực tế trước mắt là: Kiểm soát chặt chẽ chế phẩm nuôi tôm và chỉ cho lưu thông trên thị trường chất lượng tôm giống tốt. Nhân rộng mô hình nuôi tôm mới thành công như nuôi tôm hai giai đoạn nhằm giảm rủi ro. Bên cạnh đó cần tính toán đến giải pháp tiết kiệm điện, nước, cải tiến hệ thống quạt giảm hao phí điện. Tính toán mức thức ăn phù hợp để giảm tỷ lệ chuyển đổi và giảm ô nhiễm môi trường. Ở các địa phương có nhiều hộ nuôi tôm nhỏ lẻ cần hướng tới thành lập các tổ hợp tác để tập trung thành một đầu mối mua vật tư thủy sản nuôi tôm với số lượng nhiều và giá rẻ hơn.