Binh biến ở Myanmar: Nhà cung cấp của công ty mẹ Uniqlo bị đốt phá

16/03/2021 13:53 GMT+7
Fast Retailing, công ty mẹ của thương hiệu thời trang bình dân Nhật Bản Uniqlo hôm 16/3 cho biết hai nhà máy cung cấp ở Myanmar đã bị đốt phá trong bối cảnh bất ổn chính trị.

Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, hỏa hoạn đã bùng lên tại hai trong số năm nhà máy cung cấp của Fast Retailing ở Yangon, Myanmar vào đêm 14/3. Các nhà máy này đã trở thành mục tiêu phóng hỏa của những kẻ chống phá trong bối cảnh cuộc xung đột đẫm máu giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình sau vụ chính biến hồi đầu tháng 2.

Hiện Fast Retailing đang kiểm tra và đánh giá thiệt hại từ vụ hỏa hoạn tại hai nhà máy trên. Chưa có trường hợp thương vong nào được báo cáo cho đến nay.

Tính đến tháng 3/2020, Fast Retailing có sáu nhà máy cung cấp ở Myanmar. Trong đó có tới năm nhà máy đặt ở Yangon, theo danh sách nhà máy được thống kê bởi các nhà cung cấp. Các nhà máy này chuyên sản xuất các sản phẩm thời trang may mặc thuộc thương hiệu GU.

Nhà cung cấp của công ty mẹ Uniqlo ở Myanmar bị đốt phá  - Ảnh 1.

Nhà cung cấp của công ty mẹ Uniqlo - Fast Retailing đặt tại Myanmar bị đốt phá

Dù 6 nhà máy ở Myanmar chỉ chiếm khoảng 2% tổng số nhà máy cung cấp của Fast Retailing, nhưng tình trạng hỗn loạn kéo dài ở Myanmar nhiều khả năng sẽ kéo theo sự gián đoạn hoạt động sản xuất. Hôm 15/3, Fast Retailing từng thông báo hoạt động sản xuất tại các cơ sở cung cấp ở Myanmar đang tạm thời đình trệ. Nguyên nhân là do công nhân nhà máy không thể đi làm sau lệnh giới nghiêm của chính phủ.

Đáng nói, một trong những ngành công nghiệp cốt lõi của Myanmar là sản xuất hàng may mặc, cung cấp cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng toàn cầu, trong đó có Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo.

Không riêng Fast Retailing, có ít nhất 10 nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc cũng bị đốt phá trong ngày 14/3 vừa qua. Vụ việc đã khiến đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar lên tiếng yêu cầu chính quyền nước này lập tức triển khai các biện pháp cần thiết để chấm dứt bạo lực và trừng phạt những kẻ cướp phá, phóng hỏa.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Myanmar cũng báo cáo tình trạng đình trệ từ một tháng nay sau sự kiện chính biến hôm 1/2 qua. Thương hiệu H&M của Thụy Điển hôm 8/3 đã tuyên bố tạm dừng đặt hàng mới với các nhà cung cấp Myanmar với lý do bất ổn xã hội, theo nguồn tin của Reuters. Hay Toyota Motors cũng hoãn một buổi ra mắt dự án nhà máy đáng lẽ diễn ra hồi tháng 2 vừa qua. Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore có kế hoạch phát triển một khu công nghiệp ở Yangon, nhưng hồi cuối tháng 2, CEO Wong Kim Yin đã tuyên bố sẽ đợi đến khi tình hình ổn định trở lại trước khi có động thái tiếp theo liên quan đến khu công nghiệp này.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Myanmar do IHS Markit tổng hợp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 27,7 trong tháng 2, giảm mạnh từ mức 47,8 trong tháng 1. Đây là mức thấp nhận từng được ghi nhận tại Myanmar kể từ khi khảo sát bắt đầu vào năm 2016. Khoảng 70% số doanh nghiệp được hỏi trong cuộc khảo sát gần đây báo cáo sản lượng thấp hơn trong tháng 2 khi các nhà máy tạm dừng hoạt động và công nhân bỏ về quê. Nhà kinh tế học Shreeya Patel của IHS Markit nhận định rằng những diễn biến chính trị gần đây đã “cài số lùi” cho hàng loạt lĩnh vực sản xuất của đất nước này. 


.

NTTD
Cùng chuyên mục