Nhà đầu tư Mỹ vẫn ùn ùn đổ tiền vào Trung Quốc
Một trong số những lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất tại Trung Quốc là trái phiếu chính phủ, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên tới hơn 3,2%. Ngược lại, tại Mỹ, mức lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện chỉ dao động quanh ngưỡng 1,7%. Chênh lệch lớn như vậy mang đến lợi tức cao đáng kể cho các nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ Trung Quốc.
Ông Tao Wang, trưởng bộ phận kinh tế châu Á, đồng thời là chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại UBS cho hay: “Tại Mỹ, các nhà đầu tư tiếp tục tỏ ra rất quan tâm đến việc đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt là từ quan điểm thị trường trái phiếu, với mức lợi suất cao đầy hấp dẫn”.
Trong khi “Trung Quốc đưa ra lợi suất cao và ổn định”, ông Tao Wang chỉ ra rằng các quốc gia khác như Mỹ vẫn đang tiếp tục tung ra các gói hỗ trợ kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng GDP, qua đó dẫn tới lợi suất trái phiếu giảm mạnh, thậm chí lợi suất âm. Lợi suất âm nghĩa là người mua phải trả tiền cho các công ty phát hành trái phiếu khi đến ngày đáo hạn, thay vì kiếm được tiền lợi suất.
Hiện chưa có thống kê cụ thể tỷ lệ nắm giữ trái phiếu kho bạc Trung Quốc của các nhà đầu tư Mỹ. Nhưng các nhà đầu tư bên ngoài đại lục nắm giữ khoảng 3,5% số lượng trái phiếu phát hành bằng đồng NDT hiện có tính đến cuối tháng 2/2021, theo Reuters. Cụ thể, lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc của nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 10,6% lượng phát hành trái phiếu vào tháng trước.
Chỉ trong hai năm, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng gần gấp đôi lên hơn 2 nghìn tỷ NDT (307,7 tỷ USD), theo dữ liệu từ Wind Information.
Mức lợi suất đã tăng lên khi trái phiếu Trung Quốc được thêm vào các chỉ số đầu tư chính và được các nhà đầu tư toàn cầu theo dõi, thúc đẩy hàng tỷ USD dòng tiền đổ vào loại tài sản nợ này. Theo Jason Pang, người quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định châu Á của J.P. Morgan Asset Management cho biết rằng tài sản đổ vào Quỹ đầu tư trái phiếu Trung Quốc của công ty này đã tăng lên trong vài tháng qua. “Không có bất kỳ lý do rõ ràng nào thúc đẩy các nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường cụ thể (Trung Quốc)”. Ông Pang chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đang đi trước các quốc gia lớn khác trong đà phục hồi sau đại dịch. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư có thêm động lực khi đổ tiền vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Pang lưu ý rằng khi sự quan tâm của NDT quốc tế đối với thị trường trái phiếu Trung Quốc ngày càng tăng, phần lớn các khoản đầu tư vẫn đang trong “giai đoạn thử nghiệm” vì NDT vẫn cần thời gian tìm hiểu thêm về thị trường Trung Quốc đại lục.
Theo một báo cáo được công bố tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển hôm 24/1, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI lớn nhất thế giới với 163 tỷ USD vốn FDI trong năm 2020. Trong khi đó, Mỹ - vật lộn với cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 trong phần lớn thời gian của năm - chỉ thu về 134 tỷ USD vốn FDI.
Năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, Mỹ nhận được 251 tỷ USD vốn FDI, bỏ xa Trung Quốc với 140 tỷ USD. Năm 2020, đầu tư FDI vào Mỹ giảm mạnh 49%.
Mặc dù là quốc gia đầu tiên ghi nhận sự bùng phát đại dịch, Trung Quốc đã sớm kiểm soát thành công các ổ dịch từ tháng 4/2020 và thúc đẩy kinh tế phục hồi ngay trong quý II cùng năm, sau thời điểm mở cửa trở lại Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm hàng loạt… đã phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh và duy trì tỷ lệ tử vong ở mức tương đối thấp.