Nhập khẩu đậu tương: "Điểm nóng" trong đàm phán Mỹ Trung

30/07/2019 12:02 GMT+7
Ông Trump đã nhiều lần tỏ thái độ không hài lòng bởi không một đơn hàng nhập khẩu đậu nành lớn nào được Trung Quốc đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh G20, trái ngược với những gì ông Tập hứa hẹn.

Trung Quốc: nhập khẩu đậu nành là thiện chí đàm phán

Việc Trung Quốc tiếp tục mua nông sản Mỹ được xem là một trong những nỗ lực quan trọng để thể hiện thiện chí nối lại đàm phán Mỹ Trung. Nhiều hãng thông tấn nước này đưa tin hồi cuối tuần qua, rằng hàng triệu tấn đậu nành của Mỹ đã được xếp lên tàu vận chuyển đến cảnh Trung Quốc ngay trước thềm đàm phán trực tiếp.

Hãng truyền hình quốc gia Trung Hoa cũng cho hay nhiều thương lái Trung Quốc đã liên hệ với các nhà xuất khẩu nông sản Mỹ để nối lại các đơn đặt hàng bông, lúa mì, ngô, các sản phẩm từ sữa và thịt lợn. Tờ Tân Hoa Xã nhận định đây là những động thái thực dụng cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc thúc đẩy đàm phán thương mại. Tờ Nhân dân Nhật Báo thì lập luận các giao dịch thương mại đã thể hiện sự chân thành của Bắc Kinh trong việc giải quyết những mối quan ngại từ Washington, đồng thời mang đến một giai điệu mới cho vòng đàm phán đang diễn ra giữa hai phái đoàn thương mại tại Thượng Hải trong ngày 30-31.7 này.

Thế nhưng luận điệu của giới truyền thông Trung Quốc lại có vẻ mâu thuẫn với tuyên bố tuần trước của người phát ngôn Bộ Thương mại Cao Phong: “Nhập khẩu hàng hóa là phụ thuộc vào quyết định riêng của mỗi nhà nhập khẩu, phù hợp với nhu cầu thị trường. Các cuộc đàm phán thương mại chỉ là sự đồng thuận của những nhà chức trách về việc đình chỉ các lệnh hạn chế nhập khẩu, tạo điều kiện cho nhập khẩu, chứ không liên quan trực tiếp đến các đơn hàng cụ thể.”

Đại diện Văn phòng thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ​​sẽ gặp Phó Thủ tướng Lưu Hạc trong khuôn khổ đàm phán để đưa hai bên về đúng vị trí của mình, qua đó kỳ vọng giải quyết triệt để xung đột thương mại. Theo một tuyên bố từ phía Nhà Trắng, đàm phán thương mại sẽ đề cập đến các vấn đề chính như luật sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, thâm hụt thương mại và thực thi những thỏa thuận…

Các nhà kinh tế từ Barclays nhận định đàm phán tại Thượng Hải nhiều khả năng sẽ giải quyết vấn đề xuất nhập khẩu và cán cân thương mại giữa hai quốc gia, bao gồm việc Mỹ xuất khẩu nông sản cho Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc chắc chắn sẽ yêu cầu Mỹ nới lỏng thêm những cấm vận với Huawei và dừng mọi trừng phạt thuế quan. “Cuộc đàm phán có lẽ sẽ đi đến những kết quả tích cực để giảm bớt sự bất ổn thương mại, nhưng khó có thể đạt được tiến bộ liên quan đến các vấn đề cốt lõi như chống trộm cắp tài sản trí tuệ hay buộc chuyển giao công nghệ”.

Tờ South China Morning Post trước đó đưa tin Tổng thống Trump đã ép Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết mua nông sản Mỹ trong cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng ông Tập từ chối đưa ra cam kết cụ thể.

Thương chiến Mỹ Trung đã làm giảm đáng kể kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa hai quốc gia

Chiến tranh thương mại không chỉ làm gián đoạn dòng chảy thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu. Trong khi Trung Quốc phụ thuộc 90% nguồn cung đậu nành từ Mỹ, thì xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 47,6% trong năm 2018 sau hàng loạt trừng phạt - trả đũa thuế quan.

Các lô hàng đậu nành xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 65% tính từ đầu tháng 9 năm ngoái đến hết ngày 18.7 năm nay. Tổng doanh thu từ đậu nành của Mỹ cũng giảm 49,2%. Truyền thông Trung Quốc khẳng định nông dân Mỹ chính là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ thương chiến. Nhất là khi hồi tuần trước, Trung Quốc vừa phê duyệt nhập khẩu đậu nành từ thị trường Nga để đa dạng hóa nguồn cung.

Một bài đăng trên Thời báo Hoàn Cầu hôm 28.7 đã lưu ý nhập khẩu đậu tương có thể là công cụ hiệu quả mà Trung Quốc sử dụng trên bàn đàm phán với Mỹ.  “Trung Quốc có nhiều thị trường thay thế để nhập khẩu nông sản thay cho Mỹ, nhưng nông dân Mỹ chỉ có thể trông chờ vào Trung Quốc và kết quả đàm phán giữa hai nước”. Do đó, việc nối lại nhập khẩu đậu nành không chỉ là dấu hiệu thể hiện thiện chí của Bắc Kinh mà còn là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy đàm phán thương mại.

Mỹ: Không thấy đơn hàng đậu nành nào từ Trung Quốc sau G20

Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận hôm 29/7 rằng 9 lô hàng đậu nành Mỹ với khối lượng ước tính 600.000 tấn đã được thẩm định để xuất khẩu sang Trung Quốc hôm 25.7 vừa qua. Một lô hàng ngô cũng được xuất khẩu sang Mỹ hồi tuần trước. Nhưng đó đều là những đơn hàng được đặt mua từ lâu.

Ông Trump đã nhiều lần tỏ thái độ không hài lòng bởi không một đơn hàng nhập khẩu đậu nành lớn nào được Trung Quốc đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh G20, trái ngược với những gì ông Tập hứa hẹn. Theo quy tắc mà Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA đưa ra, các nhà xuất khẩu có nghĩa vụ báo cáo doanh số các đơn hàng trên 100.000 tấn trong vòng 24 giờ sau khi đạt thành thỏa thuận. Nhưng USDA đã không ghi nhận đơn hàng nào như vậy trong tháng 7 vừa qua, sau G20.

Trung Quốc chưa đặt thêm đơn hàng đậu nành Mỹ nào sau Hội nghị thượng đỉnh G20

Thống kê cho thấy Trung Quốc đã đặt mua 14,3 triệu tấn đậu nành Mỹ trong mùa vụ 2018-2019, tức từ tháng 9 năm ngoái đến nay, thấp nhất trong 11 năm gần đây. Hơn 4 triệu tấn đậu nành hiện vẫn chưa được chuyển đi. Kim ngạch nhập khẩu đậu nành giảm được đổ lỗi cho dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại nặng nề cho quy mô đàn lợn Trung Quốc. Số lượng đậu nành chưa kịp vận chuyển vào cuối tháng 8 có thể sẽ bị hủy đơn hoặc chuyển sang mùa vụ năm sau, bắt đầu từ 1.9 tới đây. Hồi tuần trước, nhà nhập khẩu Trung Quốc đã hủy đơn hàng 148.000 tấn đậu nành do nhu cầu trong nước giảm.

Cũng theo thống kê của Bộ Nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu đậu nành, mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, đã lao dốc kể từ hồi tháng 7 năm ngoái sau khi Bắc Kinh áp dụng thuế quan trả đũa 25% với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Lượng hàng đậu nành tồn kho lên đến 49 triệu tấn đã khiến giá đậu nành giảm mạnh, gây áp lực nặng nề lên thu nhập của nông dân Mỹ trong thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống đến gần. Việc Trung Quốc rục rịch mua nông sản trở lại là dấu hiệu tích cực, nhưng các nhà xuất khẩu mong đợi những tăng trưởng doanh số mạnh mẽ hơn.

“Giá đậu nành sẽ tăng nhiều nếu Trung Quốc tiếp tục mua hàng chục triệu tấn như trước đây” - ông Terry Reilly, nhà phân tích cao cấp từ Futures International cho biết.

Nhìn nhận từ góc độ vĩ mô, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định ông không mong đợi bất kỳ thỏa thuận lớn nào trong hai ngày đàm phán tại Thượng Hải, dựa trên những thiện chí mờ nhạt giữa hai bên.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục