Nhật Bản thay đổi chính sách nhập cư để thu hút lao động nước ngoài
Hiện nay, vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Nhật Bản chính là thực trạng già hóa dân số. Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, tỉ lệ dân trên 65 tuổi sẽ chạm mức kỷ lục là 40% vào năm 2060. Dân số giảm đồng nghĩa với việc GDP bình quân đầu người tăng lên và tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản có thể sẽ ‘‘dậm chân tại chỗ’’.
Bên cạnh đó, dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản dự kiến sẽ giảm đáng kể trong tương lai, từ đó, dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong các ngành công nghiệp quan trọng của nước này. Thời gian trước đây, Chính phủ Nhật khá bảo thủ trong việc mở cửa cho các công nhân nước ngoài đến Nhật Bản làm việc và đã tránh thay đổi chính sách nhập cư.
Song, trước thực trạng già hóa dân số và để duy trì sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu mở rộng chính sách nhập cư nhằm tăng số lượng lao động nước ngoài đến làm việc tại đất nước mặt trời mọc.
Bước chuyển lớn trong chính sách nhập cư
Kể từ tháng 4/2019, Nhật Bản đã ban hành luật nhập cảnh mới. Luật đề ra một loại thị thực (visa) mới cho người lao động nước ngoài. Loại thị thực này cho phép người lao động nước ngoài có kỹ năng nhất định làm việc trong các lĩnh vực đơn giản tại Nhật Bản. Bao gồm 14 ngành trong đó có chăm sóc người già, gia công vật liệu, sản xuất máy móc và nông nghiệp.
Theo đó, thị thực mới được cấp theo hai loại. Visa làm việc 5 năm sẽ được cấp cho lao động nước ngoài làm việc ở các lĩnh vực được chỉ định. Người lao động phải cam kết làm việc tại một trong 14 ngành đang gặp tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng tại Nhật Bản. Họ phải vượt qua các bài kiểm tra về các kỹ năng liên quan, ngôn ngữ và không được đưa gia đình theo. Hầu hết những lao động nước ngoài ở diện này sẽ phải hoàn thành một chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.
Diện thứ hai là nhóm lao động trình độ cao, được trao cho những người có kỹ năng, có bằng cấp và có kinh nghiệm lâu năm trong ngành xây dựng hoặc đóng tàu - hai ngành Nhật Bản hiện đang cần lao động nước ngoài. Ở diện này, người lao động sẽ được cấp visa lưu trú không thời hạn và có thể đem gia đình theo.
Sửa đổi quy định này là một sự chuyển biến lớn của chính sách nhập cư của Nhật Bản bởi trước đây, chỉ những chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn hoặc kiến thức cao mới được nhập cư ở lại làm việc tại đất nước mặt trời mọc.
Theo Chính phủ Nhật Bản, số lượng lao động nước ngoài được chấp nhận tại Nhật Bản đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Có khoảng 1,46 triệu người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản vào năm 2018. Trong số các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, con số này chỉ đứng sau Đức, Mỹ và Anh.
Nhiều công ty Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động hoàn toàn hoan nghênh sự thay đổi chính sách nhập cư. Sự gia tăng số lượng lao động nước ngoài góp phần làm giảm bớt tình trạng thiếu lao động cũng như cải thiện việc kết nối doanh nghiệp Nhật Bản với lao động nước ngoài.
Vẫn còn nhiều thách thức
Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhật Bản đang ‘‘mềm hóa’’ chính sách để thu hút nguồn lao đọng nước ngoài, bù cho sự thiếu hụt nhân công trong nước. Tuy vậy, sự thay đổi chính sách trên cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Đầu tiên, chương trình thực tập kỹ năng cần được xem xét. Mặc dù chương trình này ban đầu được lập ra để đào tạo, chuyển giao các kỹ năng của Nhật Bản cho các nước đang phát triển. Nhưng hiện tại, nó đã trở thành một công cụ để đối phó với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trong các doanh nghiệp nhỏ của đất nước này.
Thứ hai, Chính phủ Nhật Bản cần phải đảm bảo được nguồn phúc lợi cho người lao động nước ngoài, bao gồm bảo hiểm y tế và lương hưu. Ngoài ra, dòng công nhân nước ngoài có thể ''kìm hãm'' sự tăng trưởng về tiền lương của Nhật Bản và hạn chế sự cải thiện năng suất của các ngành công nghiệp trong nước. Theo ông Yuri Okinawa thuộc Viện nghiên cứu Nhật Bản, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tạo ra một môi trường để người nước ngoài có thể sống và làm việc một cách thoải mái.
Thứ ba, Nhật Bản phải chuẩn bị một bộ phận giám sát nghiêm ngặt và chuyên nghiệp đối với lao động nước ngoài để đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho công việc chứ không chỉ đơn giản là để bù đắp nhân công.