Nhiều quốc gia có nguy cơ vỡ nợ do đại dịch Covid-19

15/04/2020 16:02 GMT+7
Các nhà phân tích cảnh báo một số quốc gia có nguy cơ đối diện rủi ro vỡ nợ trong 12-18 tháng tiếp theo trong bối cảnh các chính phủ tăng cường chi tiêu để xoa dịu thiệt hại kinh tế từ đại dịch Covid-19.
Nhiều quốc gia có nguy cơ vỡ nợ do đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế dự báo khu vực đồng EURO đối diện khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19

Simon Baptist, chuyên gia kinh tế toàn cầu từ Cơ quan tình báo kinh tế EIU hôm 14/4 trả lời phỏng vấn tờ CNBC cho biết: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ sớm thấy những vấn đề nảy sinh, có thể chúng ta sẽ chứng kiến cuộc khủng hoảng quay trở lại với khu vực đồng EURO, và các quốc gia như Hy Lạp hay Italy có khả năng trở thành tâm chấn khủng hoảng”.

“Tại các thị trường mới nổi, tôi dự đoán các quốc gia như Nam Phi và Brazil có nguy cơ đối diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn nữa do đại dịch. Và tất nhiên, rủi ro vỡ nợ hiện đã quay lại với Argentina”.

Đại dịch Covid-19 lây lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 2 triệu ca nhiễm trên toàn cầu đã buộc nhiều chính phủ tiến hành những biện pháp phong tỏa quốc gia, địa phương hoặc cách ly xã hội nghiêm ngặt chưa từng thấy trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan dịch bệnh. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp, nhà máy ngừng hoạt động, giao thông ngừng trệ đã khiến các hoạt động kinh tế trì trệ theo. Chuỗi cung ứng toàn cầu đối diện với nguy cơ gián đoạn trong khi kim ngạch thương mại dự báo giảm mạnh 13-32% trong năm nay, theo ước tính của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF hôm 14/4 đã hạ dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020 xuống mức giảm 3% so với ước tính tăng trưởng 3,3% trước đó. Nhiều nền kinh tế nằm trong G20 bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Italy, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Anh… là các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn cầu do đại dịch Covid-19, với số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong cao bậc nhất thế giới. 

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiến gần bờ vực suy thoái, nhiều chính phủ đã công bố những khoản kích thích kinh tế khổng lồ, bất chấp gánh nặng nợ quốc gia trở nên ngày một trầm trọng. Mỹ mới đây tăng cường phát hành trái phiếu kho bạc, trong khi Đức có kế hoạch tăng cường các khoản vay ưu đãi lên tới 159 tỷ EUR (164,4 tỷ USD) để xoa dịu phần nào thiệt hại do dịch bệnh.

Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Simon Baptist nhận định không phải quốc gia nào cũng nhận được những khoản tài trợ quốc tế như họ mong đợi. Một số nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế cho họ vay tiền trong thời điểm thị trường đầu tư tài chính bất ổn và các nhà đầu tư muốn đổ tiền vào những tài sản trú ẩn an toàn hơn.

Bên cạnh mối lo vỡ nợ quốc gia, vỡ nợ doanh nghiệp và vỡ nợ tín dụng cá nhân cũng là rủi ro lớn mà các nước đang phải đối mặt khi tăng cường nguồn cung tín dụng ưu đãi để giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch. 

Tại Trung Quốc, quốc gia nơi dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên trên thế giới khiến khoảng 82.000 người nhiễm bệnh và hơn 3.300 người tử vong, số lượng thẻ tín dụng quá hạn trả nợ trong tháng 2 đã tăng vọt 50% so với cùng kỳ năm ngoái, theo một nguồn tin của Bloomberg. Đáng chú ý, Martin Chorzempa, nhà nghiên cứu tại Viện kinh tế quốc tế Peterson (Washington) cho hay: “Thực tế vỡ nợ đang diễn ra ở Trung Quốc là tấm gương phản ánh trước những gì sắp diễn ra trên toàn thế giới”. 

Tại Mỹ, nơi số nợ tín dụng quá hạn đã tăng lên mức kỷ lục 930 tỷ USD vào năm ngoái; những yêu cầu hỗ trợ tài chính cũng đang tăng vọt. Trong 3 tuần gần đây nhất, Bộ Lao động Mỹ đã nhận được gần 16 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp, một con số kỷ lục.

Tại nhiều quốc gia như Pháp, Thụy Sĩ, New Zealand, Nigeria…, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP quốc gia chưa bao giờ cao như vậy, theo báo cáo tháng 1 của Viện Tài chính Quốc tế. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục