Niên vụ vải thiều 2019: Ước tính thu về 2.500 tỷ đồng

14/06/2019 10:31 GMT+7
lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, cả vụ vải thiều năm 2019 có thể thu về khoảng 2.500 tỷ đồng…

Mặc dù sản lượng giảm gần 50% so với niên vụ trước song do được giá, thị trường mở rộng nên bà con vùng vải Lục Ngạn, Bắc Giang trúng lớn. Theo lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, cả vụ vải thiều năm 2019 có thể thu về khoảng 2.500 tỷ đồng…

Vải thiều được giá

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, vụ vải thiều năm nay, tổng diện tích trồng vải toàn huyện đạt 15.290 ha, trong đó: vải chín sớm khoảng 1.850 ha, chiếm 12,1%; vải thiều chính vụ khoảng 13.440 ha, chiếm 87,9%; diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap khoảng 12.000 ha.

So với vụ vải thiều trước, sản lượng vải của Lục Ngạn năm nay giảm gần 50%.

Ông Bình nói: "Để chuẩn bị tốt cho vụ vải, UBND huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, kiểm soát chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ uy tín, thương hiệu của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn".

So với vụ vải thiều trước, sản lượng vải của Lục Ngạn năm nay giảm gần 50% (năm 2018 tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn là 150.000 tấn) do thời tiết không thuận lợi, nhiều hộ trồng theo phương pháp hữu cơ nên sản lượng trái thu hoạch không nhiều.

Ước cả niên vụ 2019 đạt khoảng 80.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 13.000 tấn, vải thiều chính vụ khoảng 67.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng ngày 20/5/2019 đến ngày 30/7/2019 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ ngày 20/5; vải thiều chính vụ từ ngày 03/6/2019).

Khảo sát tại "thủ phủ" vải thiều Lục Ngạn, một số thương lái cho biết, vải chín sớm có giá cao nhất từ 55.000 đến 60.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 70.000 đồng/kg nên người dân rất phấn khởi. Vải lai có giá từ 40.000 đến 45.000 đồng/kg. Bước vào chính vụ, vải thiều có giá từ 30.000 đến 45.000 đồng/kg.

Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương về tình hình tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang năm 2019, tính đến hết 10/6, tổng số lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh là 51.400 tấn. Trong đó, vải sớm 38.310 tấn (đã tiêu thụ gần hết), vải chính vụ 13.090 tấn. Doanh thu tính đến ngày 6/6 ước đạt khoảng 1.740 tỷ đồng.

"Năm nay, bà con chăm sóc vải bằng phân bón hữu cơ cũng như áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nên chất lượng quả vải năm nay cao hơn mọi năm", ông Bình nói.

Trao đổi với PLVN, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNN cho biết, vải thiều tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 40 - 50%, còn lại là xuất khẩu (XK).

Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực

Quả vải đã được XK sang các thị trường chủ yếu như EU, Nga, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Úc,... tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường XK chính, chiếm khoảng 90%.

Hải quan Trung Quốc cho phép thông quan vải thiều bằng luồng riêng, thậm chí làm thêm giờ khi nào hết vải XK sang chứ không bó buộc trong giờ hành chính.

Chia sẻ vấn đề này, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống và mang tính chủ lực đối với XK vải thiều Lục Ngạn vì nhu cầu cao, chi phí vận chuyển không cao. So với các thị trường khác như Châu Âu hay EU, riêng chi phí vận chuyển đã là trở ngại lớn vì mất thời gian và tốn kém.

Theo quy định mới từ phía Trung Quốc, bắt đầu từ 1/5/2019, vải thiều XK sang nước này phải tuân theo quy định rất chặt chẽ. Cụ thể, vải thiều XK phải có mã số vùng trồng; DN phải đủ điều kiện đóng gói; DN đủ điều kiện XK. Cả ba điều kiện này đều do phía Trung Quốc cấp.

Ông Bình cho biết, do đã có sự chuẩn bị trước nên huyện Lục Ngạn đã có sự đầu tư rất chu đáo cho vụ vải thiều năm nay, tạo điều kiện cho XK. Hiện, toàn huyện Lục Ngạn được cấp 36 mã vùng trồng. Có 82 DN, HTX có đủ điều kiện đóng gói và các HTX, DN trên địa bàn đều được cấp mã số đủ điều kiện XK.

Để thuận lợi cho việc tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tại Bằng Tường (Trung Quốc) vào ngày 24/5 với sự tham gia của hơn 300 DN Trung Quốc. Trong đó, hải quan Trung Quốc cho phép thông quan vải thiều bằng luồng riêng, thậm chí làm thêm giờ khi nào hết vải XK sang chứ không bó buộc trong giờ hành chính.

 Về kiểm dịch sẽ sử dụng chung một kết quả, phía Trung Quốc sẽ sử dụng chính kết quả kiểm dịch của Việt Nam để quả vải nhanh chóng được thông quan.

Ngày 29/5, diễn đàn "Tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Giang” đã thu hút sự tham gia của hơn 500 DN chủ yếu tại hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây.

Thị trường trong nước, vải tươi được tiêu thụ khắp toàn quốc, đặc biệt là ở các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP HCM và các tỉnh phía Nam. 500 tấn vải thiều Lục Ngạn chính gốc có mặt tại chuỗi bán lẻ Saigon Co.op với hơn 700 điểm bán lẻ tại 43 tỉnh, TP.

Đây là chương trình liên kết giữa Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) với UBND Lục Ngạn. Theo đó, quả vải sẽ được hái trực tiếp tại vườn rồi đóng bao bì, chuyển thẳng vào Nam tiêu thụ. Trong khi đó, mùa vải thiều năm nay, Central Group và Big C cũng sẽ tiêu thụ 350 tấn vải thiều trên toàn quốc.

Tính đến ngày 10/6 có khoảng 260 thương nhân Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân XK vải sang thị trường Trung Quốc. Tổng số điểm cân trên toàn tỉnh Bắc Giang là hơn 500 điểm cân lớn, nhỏ tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn và Lục Nam.

Ông Bình nhận định, giá vải năm nay đặt mức cao kỷ lục và sẽ duy trì ổn định cho đến cuối vụ. Đây là tin vui với người dân trồng vải và quả vải Việt Nam khi XK ra nước ngoài. Ước tính toàn vụ có thể đạt 2.500 tỷ đồng.

Theo Báo Pháp luật
Cùng chuyên mục