Nông dân trồng dừa thất thu
Buổi chiều đầu tháng 8, ông Trần Trung Tác (70 tuổi, thị trấn Giồng Trôm) ngồi bên đống dừa xiêm tươi hơn 100 trái vừa hái xuống, dùng dao chặt từng trái lấy nước nấu nước màu kho cá vì thương lái chê không mua. Những trái dừa xiêm đến kỳ thu hoạch bình thường to bằng bàn tay, nay èo uột, chỉ bằng cổ chân, người dân gọi đùa là dừa "điếc", dừa "ca cao" vì nhỏ và dài giống trái ca cao.
"Bình thường, mỗi trái dừa xiêm ít nhất phải một xị (250 ml) nước, giờ chỉ bằng phân nửa, thậm chí một phần tư, nước chỉ đầy ly nước trà, phải hơn 200 trái mới được một lít nước màu", ông Tác nói.
Vườn dừa ông Tác rộng 5 công (5.000 m2), hơn 20 năm tuổi, những năm trước, cây cho trái sai, mỗi chục (12 trái) bán được giá từ 130.000 đến 180.000 đồng, mỗi tháng ông thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng. Gần đây, do dừa bị nhiễm mặn, trái nhỏ bất thường không bán được, thu nhập mỗi tháng của gia đình ông giảm thê thảm, chỉ còn 180.000 – 350.000 đồng.
Ông cho hay, trước đây vườn nhà trồng mía, lúa sau đó lên liếp trồng dừa xen chanh, bưởi. Những năm sau đó, cây chanh và bưởi lần lượt chết, cây dừa chịu được nước mặn đến 5 phần nghìn (5.000 mg/l) nên còn trụ được.
"Giờ chỉ biết bón phân để cây phục hồi từ từ, vì không biết nước mặn năm sau thế nào, lỡ đốn bỏ dừa mà mặn lại cao thì không biết trồng cây gì nữa", lão nông cho hay.
Cách nhà ông Tác 3 km, ông Hoàng Nuôi (Bình Hòa, Giồng Trôm) làm nghề thương lái mua dừa trên 10 năm. Mỗi ngày, vựa dừa ông Nuôi mua từ 1.000 đến 2.000 trái.
"Năm nay dừa xấu kỷ lục, nên bạn hàng chê ỏng chê ẹo, dừa tươi lớn 30.000 đồng một chục, dừa nhỏ 6.000-10.000 đồng một chục, dừa khô cũng rớt giá từ 90.000 đồng một chục 12 trái xuống còn 90.000 đồng một chục 40 trái", ông Nuôi cho biết.
Theo thương lái, dừa dù đèo đẹt, nước ít nhưng vẫn ngọt, mát, cơm dày nên được thu mua, gọt vỏ bán cho các nhà hàng, khách sạn, cơ sở chế biến dừa công nghiệp trong tỉnh lẫn TP HCM.
Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước, gần 74.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam. Trong đó, diện tích dừa uống nước khoảng 10.000 ha, còn lại là dừa khô.
Những ngày này, đi dọc hai bên đường, dễ bắt gặp những vườn dừa bông khô héo, những buồng vừa ra quả non, trái rụng đầy gốc.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, hiện có khoảng 20%, tương đương 14.000 ha diện tích dừa bị ảnh hưởng hạn mặn. Như các cây trồng khác, người dân sẽ nhận được hỗ trợ thiên tai theo Nghị định 02 của Chính phủ năm 2017. Cụ thể, định mức cây ăn trái thiệt hại trên 70%, người dân sẽ nhận hỗ trợ 4 triệu đồng mỗi ha, thiệt hại 30-70% là 2 triệu đồng mỗi ha.
"Sở đã cử cán bộ đến vườn khảo sát, hướng dẫn người dân lấy nước vào mương rửa mặn, đồng thời bón phân hữu cơ để cây sớm phục hồi", ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho hay.
Cũng theo ông Đức, tỉnh này đang triển khai mô hình dừa hữu cơ với quy mô khoảng 4.000 ha, sắp tới sẽ nhân rộng lên 7.000 ha. Ngoài mục tiêu cho sản phẩm sạch, trồng dừa theo phương pháp hữu cơ còn giúp cây dừa chống chịu được hạn mặn tốt hơn.
Năm nay hạn mặn đến sớm, sâu bất thường và kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ứng phó.
Tại Bến Tre, hạn mặn khiến gần 5.000 ha lúa gieo sạ ngoài lịch bị chết héo, hơn 10.000 ha cây ăn quả, hoa kiểng cùng 1.000 ao nuôi tôm thiệt hại.