Nông sản Mỹ ùn ứ bất chấp cam kết tăng cường nhập khẩu của Trung Quốc
Đậu nành Brazil đã vào mùa thu hoạch với mức giá rẻ đáng kể đang khiến các lô hàng đậu nành Mỹ đối diện với áp lực cạnh tranh lớn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây sức ép lên nhu cầu nông sản.
Tờ Bloomberg mới đây đưa tin, Bắc Kinh đang tìm cách đẩy mạnh việc nhập khẩu một số sản phẩm nông sản Mỹ bao gồm đậu nành để tăng cường kho dự trữ chính phủ. Bắc Kinh trước đó đã miễn mức thuế quan trả đũa 25% với các sản phẩm nông sản Mỹ để bình ổn lạm phát giá tiêu dùng trong nước. Đầu tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc cũng hoàn tất thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, trong đó Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong 2 năm, bao gồm 32 tỷ USD tăng nông sản. Nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, những dữ liệu trước mắt cho thấy kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tăng là không khả quan.
Trong trung tuần tháng 4 (từ 10-16/4), doanh thu ròng sản phẩm đậu nành Mỹ xuất khẩu tăng 41% lên 344.900 tấn so với tuần trước đó, theo báo cáo hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA. Nhưng so với mức trung bình 4 tuần trước đó, doanh số đậu nành giảm tới 48%. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy Trung Quốc đã không nhập khẩu bất kỳ loại đậu nành nào trong tuần 10-16/4.
Darren Cooper, chuyên gia kinh tế cao cấp tại công ty nghiên cứu International Grains Council có trụ sở tại Anh nhận định nhu cầu của thị trường Trung Quốc với sản phẩm đậu nành Mỹ đã đi xuống trông thấy trong vài tháng qua. “Miễn trừ thuế quan kích thích các doanh nghiệp chế biến Trung Quốc nhập khẩu nguyên vật liệu từ Mỹ, nhưng không phải với khối lượng lớn như cam kết”.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc trước đó cho hay đã lên kế hoạch tăng cường nhập khẩu 92,48 triệu tấn đậu nành trong năm 2020, tăng từ mức 88,59 triệu tấn hồi năm 2019. Bộ này cho hay kim ngạch nhập khẩu đậu nành Mỹ sẽ tăng sau khi thuế quan với nhiều mặt hàng nông sản Mỹ được dỡ bỏ hôm 2/3, nhưng không đề cập cụ thể thời gian xúc tiến các đơn hàng.
Kim ngạch xuất khẩu thịt lợn tại Mỹ cũng ghi nhận mức giảm đáng kể do ảnh hưởng của sự gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 gây ra. Các nhà máy sản xuất thịt của Mỹ cũng buộc phải cắt giảm năng suất sản xuất do nhu cầu thấp và lực lượng lao động suy giảm trong đại dịch. Tyson Foods và Smithfield Foods, hai trong số những nhà cung cấp thịt lợn lớn tại thị trường Mỹ đã buộc phải đình chỉ nhà máy sản xuất trong bối cảnh Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Một số nông dân Mỹ buộc phải tiêu hủy đàn lợn khi các nhà hàng buộc phải đóng cửa và nhu cầu tiêu thụ thịt giảm đáng kể
Trong tuần 10-16/4, doanh số xuất khẩu thịt lợn tại Mỹ đã giảm xuống 39.800 tấn, tức giảm 13% so với một tuần trước đó, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Giá lợn hơi giao hàng tháng 6 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục 41,5 cent/pound vào cuối tuần trước trước khi phục hồi trở lại 51,6 cent/ pound hôm 24/4. Năm ngoái, Mỹ là nước xuất khẩu thịt lợn lớn thứ ba sang Trung Quốc, sau Tây Ban Nha và Đức.