Nuôi ốc màu: Nghề thu "vàng" từ biển
"Vãi tiền” xuống biển
“Với con nước tháng 9 này, chỉ có đi đêm hoặc thật sớm hôm sau mới có thể thấy được "ngọc"…!”, đồng chí Hoàng Văn Quảng, Chủ tịch xã đảo Ngọc Vừng bí mật khiến tôi càng tò mò.
Sớm hôm sau, tôi háo hức dậy thật sớm. Đảo Ngọc Vừng, sớm thu không khí trong lành, mát mẻ. Những làn gió Nam mát rượi thổi vào từ bãi cát Trường Chinh. Chúng tôi ra cảng, lên xuồng bắt đầu chuyến đi. Mặt trời bắt đầu ló rạng. Biển Ngọc Vừng xanh ngọc, đẹp lung linh.
Từ cảng tàu Ngọc Vừng, chúng tôi rẽ sang đi dọc dãy núi Tu La Tây. Ông Quảng kể: Xã đảo Ngọc Vừng với đặc thù có nhiều vùng nước mở, bãi triều, ghềnh đá và đảo nhỏ, các vũng vịnh kín gió. Chưa kể nước biển ở đây tương đối sạch và lưu thông tốt, đáy biển lại có nhiều bãi cát trắng. Vì thế từ lâu ở đây nổi tiếng là quê hương của nhiều loài ốc đặc sản có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là giống ốc màu.
Chúng tôi tới dãy núi Tu La, nằm phía Tây, nơi được coi là "vựa" nuôi trồng ốc màu của đảo. Tu La có mặt giáp biển, phía chân là những bãi, ghềnh đá, lởm chởm, nhiều đoạn dựng đứng. Thế nhưng đây lại là khu vực có rất nhiều các loại ốc tự nhiên cũng như là môi trường lý tưởng để nuôi ốc màu. Từ bể, chiếc xuồng ghé vào thăm bãi nuôi của ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Bình Minh), một trong những hộ đầu tiên nuôi ốc màu trên đảo.
Ông Hùng chừng ngoài 50 tuổi, gầy, nước da rám nắng đặc trưng của người dân biển. Dù có 15 năm kinh nghiệm nuôi ốc, nay đã sở hữu bãi nuôi khá rộng lớn, ông vẫn không quên được thời điểm khó khăn ban đầu: Như bao người khác, trước chúng tôi đi khắp các đảo Thượng Mai, Hạ Mai, Pháo Đài, Phượng Hoàng…bắt loài ốc đặc sản bán cho thương lái. Ốc tự nhiên dần cạn, tôi nảy ra ý tưởng nuôi ốc trên môi trường tự nhiên. Nghĩ là làm, năm 2005, tôi mang 15 triệu đồng - số tiền dành dụm bao năm của hai vợ chồng mua ốc giống thả xuống ghềnh.
Thời điểm đó, số tiền 15 triệu với một gia đình ngư dân ở xã đảo cũng lớn lắm. Thấy tôi mua giống ốc vãi ra ghềnh đá, bãi triều mênh mông mà không lưới ngăn, chắn gì cả khiến vợ tôi cũng lo lắng, không biết có được ăn hay ốc lại bò đi hết. Lúc đó, nhiều người cũng không thật tin, cho rằng tôi gàn, liều lĩnh. “Quả thật thời điểm đó giống ốc màu cũng không hề rẻ. Giống thì đắt mà rải chốc lát đã hết. Dù kinh nghiệm nhiều năm đi biến thế nhưng rải một đống tiền xuống biển không biết lúc nào thu về. Có lúc tôi cũng sờ sợ…!” - ông Hùng vừa cười vừa kể.
Tương tự ông Hùng, anh Lê Văn Khánh (thôn Bình Hải) cũng thả giống dọc ghềnh núi Tu La. Ghềnh nuôi ốc nhà anh khá lớn, dài chừng 200-300m dọc chân núi Tu La. Gia đình anh cũng tham gia nuôi ốc màu từ sớm.
Anh Khánh kể: Tuy là động vật biết bò nhưng ốc chỉ sống quanh quẩn ở những rạn đá, ít di chuyển, kiếm ăn từ các loại rong rêu, phù du trong nước. Thế nên những bãi triều lổn nhổn đá, nhiều rong rêu lại là môi trường lý tưởng cho ốc sinh sống. Giống ốc đặc sản này chỉ sống trên các rạn, ghềnh đá, bò ra cát là chết ngay. Vì thế nỗi lo thất thoát hầu như không có. Vùng bãi triều này lại là nơi có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi. Nguồn nước biển Ngọc Vừng có độ mặn tự nhiên tốt, ít bị biến đổi. Các rạn đá, cồn đá lại ở vùng sóng nhiều rong tảo dạt vào lắm nên nguồn thức ăn rất sẵn. Vì vậy các loài thả trên bãi đều lớn rất nhanh.
Thế nhưng nuôi ốc màu lại sợ nhất là môi trường nước biến đổi, nguồn thức ăn ít. Người nuôi cũng phải tinh mắt lựa chọn ốc giống khoẻ mạnh, giống tốt bởi nếu không khéo mua phải giống ốc kém chất lượng tỷ lệ chết cao, chất thịt không ngon, thương lái chê ngay. Nhưng đáng sợ nhất là bão biển đánh, cuốn ốc xuống đáy hoặc ra xa khỏi bãi, ốc chết ngay, người nuôi sẽ trắng tay. Ngoài ra, khi ốc lớn chuẩn bị cho thu hoạch phải thường xuyên theo dõi và lập chòi canh ngoài biển đề phòng… bị trộm. Thế nên, nghề nuôi ốc cũng phải chăm chỉ, để ý chăm sóc... như chăm con mọn vậy!
"Nuôi ốc dễ và hiệu quả kinh tế cao - điều đó đã được chứng minh trong thực tế, nhưng để phát triển quy củ theo hướng hàng hóa bền vững thì quả là bài toán khó đối với người dân Ngọc Vừng. Bởi họ ít được tập huấn, đào tạo mà cứ nuôi theo phong trào, nên còn thành công thì trông chờ vào... ông trời, vào thời tiết. Bởi theo cách nói của bà con thuận lợi thì thu hoạch khá, còn thay đổi thời tiết, nguồn nước, thiên tai trong nuôi ốc là những rủi ro họ phải... chịu! " - ông Quảng chia sẻ những khó khăn, vất vả của bà con nuôi ốc màu.
Trời không phụ lòng người...
Dạo quanh bãi nuôi cạnh ghềnh Tu La vào ngày đẹp trời, nước đang lên sâm sấp, người đi thu hoạch ốc màu khá đông. Theo một số người thì đây là ngày nước “mát” sau nhiều ngày nước thấp, “khát” nước, nước lên ốc sẽ bò ra rất nhiều để kiếm ăn. Vừa cặm cụi nhặt ốc từ những khe đá, chỉ chừng vài chục phút anh Khánh đã bắt được cả kg ốc màu to chừng đầu ngón tay cái. Vừa hướng dẫn cách bắt, anh Khánh giới thiệu về giống ốc đặc sản được thương lái thu mua với giá cao, có thời điểm bán được giá từ 200.000-220.000 đồng/kg thậm chí hơn.
Sau thời gian đầu khó khăn, quen với tập quán sinh trưởng của ốc màu, gia đình anh Khánh bắt đầu mở rộng diện tích nuôi trồng lên khoảng 6.000-7.000m2 bãi ghềnh, thả giống có giai đoạn lên tới cả vạn con. "Nhờ hiểu tập tính sống, những năm 2016-2017, gia đình tôi mở rộng diện tích nuôi trồng, thả 7.000-8.000 con giống với mật độ vừa phải. Tuỳ vào kích thước con giống, chúng tôi có thể thu hoạch sau khoảng 6 tháng, lâu thì 1 năm. Ốc màu có thể thu hoạch liên tục, gối vụ do nguồn ốc tự nhiên có sẵn, ốc sinh sản nhanh. Những năm đó thu nhập gia đình tôi thường xuyên đạt trên 70 triệu đồng/năm" - anh Khánh hồ hởi.
Với gia đình ông Hùng thì thành quả đến nhanh hơn nhờ mạnh dạn và kiên trì chăm sóc. "Ban đầu, gia đình tôi chỉ dám đầu tư vài trăm mét chiều dài bãi triều nuôi ốc màu lẫn ốc đá. Sau mấy tháng thả nuôi, tôi đã thu lãi vài triệu đồng. Điều thuận lợi là nuôi ốc màu không hề tốn kém, không mất nhiều thời gian chăm sóc mà lại cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư trên bãi triều dài chừng 500-700m2 nuôi ốc. Ốc sinh trưởng, nhân giống tự nhiên liên tục, sau 6 tháng thả có thể cho thu hoạch gối nhau liên tục. Mỗi năm thu lãi 50-70 triệu đồng. Nhiều gia đình bãi nuôi rộng đầu tư lớn thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm" - ông Hùng phấn khởi chia sẻ.
Từ khi thả nuôi loài ốc đặc sản này, người dân Ngọc Vừng có thêm nguồn thu nhập, số hộ tham gia nuôi trồng cũng tăng nhanh. Khu vực nuôi trồng cũng được mở rộng ra toàn xã đảo như ở các ghềnh, các hòn, đảo như: Pháo Đài, Đất Nứt, Phượng Hoàng... Hiện toàn xã Ngọc Vừng có 143 hộ nuôi trồng thuỷ hải sản trong đó có ốc màu, sản lượng giống thả đạt 134 tấn/năm. Sản lượng ốc thương phẩm có thể đạt hàng trăm tấn/năm. Giá ốc màu trung bình đạt trên 100.000 đồng/kg. Gặp lúc được giá, có thể bán với giá dao động từ 200.000-220.000 đồng/kg hoặc hơn, nếu đúng thời kỳ khan hiếm.
Ước muốn của người nuôi ốc
Cũng như nhiều hộ dân nuôi ốc màu đặc sản khác, anh Khánh chia sẻ những khó khăn về con giống đặc biệt trong bối cảnh diện tích, số hộ nuôi trồng tăng. Nguồn giống khan hiếm hơn, giá tăng khiến đầu tư của người dân tăng lên. Ngoài ra, một điều khó khăn đó chính là đầu ra của sản phẩm có nhiều bất ổn, giá trị sản phẩm suy giảm đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid -19.
"Để phát huy thế mạnh của địa phương, chúng tôi rất mong có nguồn giống tốt, ổn định, đồng thời đảm bảo giá trị đặc sản này"- anh Khánh chia sẻ.
Theo ông Quảng, dù nuôi ốc bước đầu đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung nhưng thiếu định hướng quản lý, quy hoạch khoa học, nên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, như điều kiện môi trường, nguồn nước, dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng ốc. Đặc biệt, việc xuất, bán cũng phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Được mùa được giá thì cho thu nhập cao. Việc xuất khẩu rất khó, chỉ bán tiêu thụ nội địa
"Điều mong mỏi của chính quyền địa phương và bà con nơi đây là được hỗ trợ mở thêm các lớp tập huấn để người nuôi nắm bắt được các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho ốc; tạo điều kiện cho người dân vay vốn, hoàn thiện thủ tục mượn quỹ đất để mở rộng thêm diện tích nuôi, nâng cao thu nhập, hoặc khi xảy ra những bất cập trong quá trình nuôi thì họ sẽ được hỗ trợ " - ông Quảng chia sẻ.
Được biết, thời gian qua xã Ngọc Vừng cũng định hướng đưa ốc màu trở thành sản phẩm địa phương tiêu biểu. Đồng thời trong định hướng nhiệm kỳ mới, xã xác định tập trung phát triển du lịch dịch vụ và nuôi trồng hải sản. Chính vì thế đã có nhiều ý tưởng đưa du khách tham quan và trải nghiệm các điểm đến, trải nghiệm cùng ngư dân đi đánh cá, cào ngao, bắt ốc... Có thể thấy, đó là những hướng đi, cách làm hay nhằm hỗ trợ, "tiếp sức" để mô hình nuôi trồng này trở thành một thế mạnh, tạo thu nhập ổn định cho người dân.