Ồ ạt vào Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc đau đầu trong bài toán tuyển dụng

04/06/2019 08:35 GMT+7
Cùng với sự tăng lên của nguồn vốn FDI đổ về Việt Nam là nhu cầu người lao động tăng vọt, đặc biệt là người lao động tay nghề cao.

Tại tỉnh Bình Dương, một trong những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nhất trên cả nước, ùn tắc giao thông có thể kéo dài hơn một tiếng trong những giờ cao điểm như buổi sáng và buổi chiều tan tầm. Xe tải chen chúc trên con đường nhỏ dẫn đến cảng Cát Lái - bến cảng lớn nhất Việt Nam. Tiếng còi xe inh ỏi, nóng nực và khói bụi bao trùm.

Tắc đường là một trong những “vấn nạn” tại Việt Nam, và chắc chắn sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn nữa do sự chuyển hướng đầu tư của các công ty nước ngoài vào thị trường tiềm năng này. Ngoài cơ sở hạ tầng; nguồn lao động tay nghề cao, chuyên môn cao cũng là điều khó khăn.

Công ty xây dựng Weng Caibing tại Bình Dương chia sẻ, doanh thu của công ty đã tăng 50% từ khi chuyển hướng sang Việt Nam nhờ nguồn nhân công giá rẻ tại địa phương. Nhưng hiện tại, việc tìm kiếm, tuyển dụng người lao động tay nghề cao càng lúc càng trở nên khó khăn hơn

Chỉ 4 năm trước, Weng Caibing có thể dễ dàng tuyển dụng người lao động trong vòng 2 ngày kể từ khi đăng thông báo tuyển dụng. Nhưng hiện tại, họ phải trả cho các sàn giao dịch việc làm hơn 2,000 NDT (khoảng 290 USD) mỗi tháng mà vẫn không thể tuyển được người lao động chuyên môn cao và phù hợp.

Công nhân tại một nhà máy sản xuất ở Bình Dương

Số lượng ngày càng nhiều các công ty nước ngoài nói chung và công ty Trung Quốc nói riêng chen chân vào thị trường Việt Nam đã gây ra sự tăng vọt trong nhu cầu sử dụng lao động. Ngành tuyển dụng lao động tại Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh “ác tính”.

Ông Weng - CEO Weng Caibing chia sẻ: “Vài năm trước, 5 triệu VNĐ mỗi tháng là mức lương đủ chi trả để thuê một người phiên dịch giỏi. Nhưng hiện tại, bạn phải trả 15 triệu VNĐ mà vẫn không thể tuyển được người”.

Tại Bình Dương và các tỉnh lân cận, hiện có khoảng 30 khu công nghiệp mới đang mọc lên để đón nhận làn sóng FDI. Trong vài tháng gần đây, khi các công ty nước ngoài đồng loạt rời bỏ Trung Quốc, tìm đến các thị trường lân cận để né tránh thuế quan trong chiến tranh thương mại, Việt Nam đã hưởng lợi lớn.

Theo một thống kê từ cơ quan nước ngoài, vốn FDI đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Phần lớn các công ty chuyển hướng đến từ Hồng Kông (Trung Quốc), với tổng vốn đầu tư 5,08 tỷ USD.

Mặc dù chỉ có 2.1 triệu dân, Bình Dương hiện đứng thứ ba sau các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh về việc thu hút đầu tư nước ngoài FDI. Nhìn chung, nền chính trị ổn định, nguồn lao động rẻ tương đối và vị trí địa lý gần Trung Quốc đã khiến Việt Nam trở thành điểm đầu tư ưa thích của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc trong những năm gần đây.

Tư cách thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP - khối thương mại gồm 11 quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Canada, Úc… cũng là lợi thế giúp nhiều nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam, qua đó đạt được mức thuế suất ưu đãi và nhiều chính sách có lợi với các nước thành viên CPTPP.

Man Wah Holdings, nhà sản xuất đồ nội thất hàng đầu Hồng Kông (Trung Quốc), đã mua một nhà máy lớn tại Việt Nam vào cuối năm 2018 và mở rộng nó. Ông Man Li Wong - CEO Man Wah Holdings cho biết hồi tháng 5 rằng cơ sở này sẽ sẵn sàng cho hoạt động sản xuất vào tháng 8 tới.

“Chúng tôi tin rằng nhà máy tại Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất 100% các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2020”. Tuy nhiên, sự đổ bộ của các công ty như Man Wah Holdings vào Việt Nam đã làm tăng sự cạnh tranh trong tuyển dụng lao động địa phương, khiến các công ty nhỏ hơn phải vật lộn để thu hút công nhân.

“Mức lương cơ bản mà Man Wah Holdings đưa ra là 8 triệu VNĐ vào tháng 8/2018, rồi tiếp tục tăng lên 9 triệu VNĐ và 10 triệu VNĐ hiện nay. Họ đã phá hủy cơ cấu lương và làm hỗn loạn thị trường tuyển dụng” - ông Li Weihua, một doanh nhân Trung Quốc tại địa phương phàn nàn.

Một khu công nghiệp tại Bình Dương

Việt Nam hiện có 54,8 triệu lao động trên 15 tuổi, với 9,3 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, theo số liệu chính thức của Bộ Lao động. Nhưng hiện tại, sự gia tăng số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam nhanh hơn sự gia tăng nguồn cung lao động. Đó là một thách thức lớn. Nhiều doanh nhân còn phàn nàn về giá đất công nghiệp ở Việt Nam tăng chóng mặt. Ví như tại Bình Dương, giá thuê nhà xưởng hiện lên tới 120 USD/m2.

Nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7.1% GDP năm 2018 và 6.8% GDP năm 2017. Mức tăng trưởng ổn định thu hút nhiều công ty đa quốc gia bao gồm cả Intel, Samsung và LG. Trong những năm qua, chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, và đạt được nhiều thành tựu nhất định khiến các nhà đầu tư lạc quan. Tuy vậy, vấn đề cấp thiết nhất tại thị trường này hiện nay vẫn là nguồn cung lao động trình độ chuyên môn cao.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục