Ông Dương Công Minh: Từ đại gia bất động sản thành ông chủ ngân hàng tuổi Tý giàu nhất
Đại gia ngân hàng tuổi Tý giàu nhất
Năm Canh Tý 2020 vừa bắt đầu những bước đi đầu tiên của mình. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đón năm mới với nhiều tín hiệu tích cực lạc từ hoạt động kinh doanh của Sacombank. Vì vậy, đại gia ngân hàng tuổi Tý giàu nhất sàn chứng khoán này có thể kiếm bộn hơn trong "năm tuổi" của mình.
Ông Dương Công Minh vốn không phải đại gia ngân hàng. Trước khi đến với ngành "nóng" này, ông được biết đến nhiều với cái tên "Minh Him Lam". Ông Minh gặt hái được nhiều thành công trong ngành địa ốc với Công ty cổ phần Him Lam. Ông gắn bó với Him Lam từ năm 1997.
Tuy nhiên, sau đó, ông tấn công sang lĩnh vực tài, chính ngân hàng với thương hiệu Liên Việt. Không chỉ nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank), ông Minh còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Liên Việt Holdings.
Dù từng là người đứng đầu LienvietPostBank nhưng ông Dương Công Minh không trực tiếp nắm giữ bất cứ cổ phần nào tại ngân hàng này. Còn tại Sacombank, ông Dương Công Minh là cổ đông lớn thứ 4 chỉ sau ông Trầm Trọng Ngân, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn EXIM.
Hiện tại, ông Dương Công Minh đang nắm giữ 3,49% vốn Sacombank. Theo thị giá cổ phiếu STB trong ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019 (22/1/2020), lượng cổ phần này mang về cho ông Minh khối tài sản 682 tỷ đồng. Vì vậy, ông Minh đứng ở vị trí 88 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Dù vậy, số tiền này cũng đủ cho ông là đại gia ngân hàng tuổi Tý giàu nhất sàn chứng khoán.
Trên thực tế, tài sản của ông Dương Công Minh có thể nhiều vượt trội so với con số 682 tỷ đồng. Và ông Minh hoàn toàn có thể lọt vào Top 10, thay vì Top 90 như hiện tại. Ngoài cổ phiếu STB, ông Dương Công Minh còn nắm giữ cổ phiếu của Liên Việt Holdings. Theo mệnh giá, lượng cổ phiếu đó tương đương 313 tỷ đồng.
Và tài sản lớn nhất của ông Dương Công Minh có thể không nằm trong ngành tài chính, mà nằm ở bất động sản. Him Lam không phải công ty niêm yết nên thông tin về sở hữu của ông Minh không được công bố. Nhưng nhiều khả năng, đó sẽ là con số rất lớn và có thể mang lại cho ông Minh khối tài sản nhiều vượt trội.
Hứa hẹn sẽ "phất" trong "năm tuổi"
Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 (đúng năm Canh Tý). Ông trở thành Chủ tịch HĐQT Sacombank năm 2017, đúng thời điểm ngân hàng này phải đối diện với nhiều thách thức. Ở thời điểm hiện tại, dù các thách thức đó chưa được giải quyết hết nhưng hoạt động của Sacombank đã có nhiều sáng sủa hơn.
Sau 2 năm dưới "triều đại" Dương Công Minh, lợi nhuận của Sacombank đã được cải thiện. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019, lợi nhuận sau thuế quý 4/2019 của Sacombank tuột dốc, giảm từ 859 tỷ đồng xuống chỉ còn 532 tỷ đồng.
Thế nhưng, tính chung cả năm 2019, chỉ tiêu này vẫn đạt 2.455 tỷ đồng, tăng 665 tỷ đồng, tương đương 37,2% so với năm 2018 và tăng 1.455 tỷ đồng, tương đương 146% so với năm 2017, thời gian ông Minh gia nhập Sacombank.
Hoạt động tín dụng có nhiều cải thiện đóng góp rất nhiều vào đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng. Chỉ tiêu cho vay khách hàng tăng từ 253.100 tỷ đồng lên 292.059 tỷ đồng. Nhờ vậy, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của Sacombank tăng 4.181 tỷ đồng, tương đương 15,9% lên 30.477 tỷ đồng.
Huy động vốn cũng có nhiều bước tiến khi chỉ tiêu Tiền gửi của khách hàng tăng từ 349.389 tỷ đồng lên 400.844 tỷ đồng.
Trong khi đó, trước khi ông Dương Công Minh gia nhập Sacombank, nợ xấu là một trong những vấn đề cấp bách cần phải giải quyết. Còn hiện tại, nợ xấu tại Sacombank đang giảm mạnh. Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng nợ xấu là 5.733 tỷ đồng, chiếm 1,94 tổng dư nợ tín dụng. Con số này cuối năm 2018 là 5.646 tỷ đồng, tương đương 2,2%.
Ông Dương Công Minh bước vào "năm tuổi" khi Sacombank đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng. Vì vậy, Sacombank có thể mang tới cho ông Minh nhiều niềm vui. Tuy nhiên, Sacombank vẫn chưa giải quyết được câu chuyện thị giá. Hiện tại, thị giá STB vẫn chỉ loanh quanh mệnh giá.
Trong những ngày đầu năm 2020, cổ phiếu ngân hàng "làm mưa làm gió" trên thị trường chứng khoán với hai đại diện tiêu biểu là BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
Thế nhưng, STB lại đi từng bước chậm chạp. Đóng cửa ngày 22/1, phiên cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019, STB dừng ở mức 10.900 đồng/CP, chỉ tăng 400 đồng/CP, tương đương 4,8% so với ngày 31/12/2019.