Oxfam: Đại dịch Covid-19 đang đẩy nửa triệu người vào cảnh nghèo đói
Trong hội nghị thường niên do Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới tổ chức hồi tuần trước, Oxfam đã công bố báo cáo tính toán tác động của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đến tình trạng nghèo đói toàn cầu do thu nhập hộ gia đình giảm mạnh.
“Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 đang diễn ra nhanh chóng và sâu sắc hơn cả khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008” - báo cáo khẳng định.
Các ước tính cho thấy trong mọi kịch bản dù là sáng sủa nhất, tỷ lệ nghèo đói vẫn có thể tăng lên mức cao nhất từ năm 1990 trở lại đây, thậm chí đưa một số quốc gia trở lại mức nghèo đói cách đây 3 thập kỷ.
Báo cáo cũng tính đến xếp hạng các mức nghèo đói theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, gồm nghèo đói cùng cực (tức mức thu nhập từ 1,9 USD/ ngày trở xuống) và mức nghèo khổ (thu nhập dưới 5,5 USD/ ngày).
Trong kịch bản tồi tệ nhất, tức mức thu nhập giảm 20%, số người nghèo đói cùng cực sẽ tăng thêm 434 triệu người lên 922 triệu người trên toàn cầu, trong khi số người nghèo khổ tăng 548 triệu lên khoảng 4 tỷ người.
Phụ nữ có rủi ro lâm vào cảnh nghèo khổ do thất nghiệp nhiều hơn nam giới, vì ở một số quốc gia, họ không có quyền làm việc hoặc chỉ có khả năng làm những công việc thu nhập thấp, công việc đơn giản, không đòi hỏi trình độ học vấn.
Báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng những người nghèo không có quyền nghỉ làm có lương và cũng ít có các khoản dự trữ tiết kiệm. Hơn 2 tỷ lao động không biên chế trên thế giới hiện không có quyền nhận trợ cấp nghỉ việc không lương trong bối cảnh khủng hoảng, điều này càng làm tăng lên tác động to lớn từ đại dịch.
Hồi tuần trước, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo khoảng 11 triệu dân ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có thể rơi vào cảnh nghèo đói nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và diễn biến tồi tệ khiến nền kinh tế trì trệ.
Để giảm thiểu những tác động từ đại dịch, Oxfam đã đề xuất một kế hoạch 6 hành động nhằm hỗ trợ trợ cấp tiền mặt và hiện vật cho những người lao động, những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh; đồng thời kêu gọi IMF xóa nợ, tăng viện trợ cho các quốc gia nghèo. Oxfam cũng đề xuất tăng thuế tài sản, thuế đánh vào các khoản lợi nhuận bất thường và sản phẩm đầu cơ tài chính để tăng dòng tiền cho quỹ nếu cần thiết.
Nhiều quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới đã kêu gọi giãn nợ hoặc giảm nợ trong những tuần gần đây khi đại dịch Covid-19 để lại những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Một ước tính cho thấy các chính phủ trên thế giới sẽ cần huy động ít nhất 2,5 nghìn tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển. Các nước giàu hiện cũng huy động hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế trong nước trước những tác động to lớn từ dịch bệnh. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới thậm chí công bố gói kích thích khổng lồ trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD đã được Quốc hội thông qua.