Phản ứng mạnh với tin xăng tăng giá, VN-Index mất mốc 1.500 điểm, thị trường sẽ ra sao?
VN-Index mất mốc 1.500 điểm
Tiếp nối diễn biến suy yếu của phiên trước, thị trường chứng khoán ngày 11/3/2022 có khởi đầu phiên không mấy khả quan. Áp lực bán ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã kéo thị trường giảm điểm khá sâu, đặc biệt đầu phiên chiều áp lực bán lan tỏa khiến thị trường có lúc giảm đến 1.458,9 điểm, dưới mức giá thấp nhất của phiên ngày thứ Tư (9/03/2022, gần 1.463 điểm). Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy bất ngờ đổ vào cuối phiên và đã giúp kiềm hãm đà giảm.
Kết phiên, VN-Index còn giảm 12,54 điểm (-0,85%) và chốt tại 1.466,54 điểm. Thanh khoản khớp lệnh có phần cải thiện so với phiên trước, với 855,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên HoSE.
Đà giảm của thị trường đã đưa chỉ số VN30-Index quay về vùng đáy 5 tháng tại 1.467-1.477 điểm. Dòng tiền bắt đáy đã giúp nhóm này lấy lại gần 8 điểm sau phiên ATC. Kết phiên, VN30-Index đóng cửa giảm 13,1 điểm (-0,88%) và chốt tại 1,477.14 điểm với 22 mã giảm giá và 8 mã tăng giá.
Những cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất trong nhóm là PLX (-5,4%), MSN (-5,0%), GAS (-4,7%), PNJ (-3,5%), SSI (-3,4%)... Ngược lại, nhóm kiềm hãm đà giảm tốt nhất ở nhóm VN30 là BID (+2,2%), STB (+1,6%), HDB (+1,3%), MBB (+1,3%), VNM (+1,2%)...
Áp lực chốt lời ở các nhóm cổ phiếu có nhịp tăng mạnh mẽ vừa qua ngày càng rõ hơn, cụ thể là nhóm Than, Dầu khí, Thép có diễn biến kém. Ở chiều ngược lại, nhóm Phân bón vẫn duy trì được tâm lý tích cực. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng cũng có nhịp hồi phục và nâng đỡ thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 5 liên tiếp trên sàn HOSE, với giá trị 545,4 tỷ đồng. Họ tập trung bán ròng mạnh MSN (-150,3 tỷ), VND (-124,1 tỷ), DXG (-70,2 tỷ), HPG (-45,4 tỷ), NVL (-45 tỷ)... Ở chiều mua ròng, nhiều nhất là DGC (+53,9 tỷ), tiếp đến là VCB (+47,3 tỷ), STB (+40,8 tỷ), VNM (+27,3 tỷ), VRE (+21,3 tỷ)...
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán Rồng Việt, nhìn chung, thị trường tiếp tục diễn biến theo chiều hướng suy yếu trong phiên giao dịch cuối tuần. Mặc dù VN30-Index có diễn biến tranh chấp quanh vùng hỗ trợ ở đáy 5 tháng, vùng 1.467-1.477 điểm, và giúp thị trường hồi phục nhẹ vào cuối phiên, nhưng chưa có tín hiệu cụ thể để có thể nhận định thị trường sẽ sớm đảo chiều và rủi ro suy yếu vẫn đang hiện hữu.
Thị trường chứng khoán sẽ ra sao trong phiên tiếp?
Khối phân tích của Chứng khoán Rồng Việt nhận định, dự kiến thị trường sẽ tiếp tục nhịp hồi phục kỹ thuật nhẹ để kiểm tra lại cung cầu.
Về kỹ thuật, VN-Index tiếp tục suy giảm sau tín hiệu “cầu yếu” trong phiên trước và giảm dưới ngưỡng 1.470 điểm. Mặc dù chỉ số vẫn theo hướng suy yếu nhưng có diễn biến tranh chấp khá mạnh vào giai đoạn cuối phiên.
Dự kiến VN-Index sẽ có nhịp hồi phục nhẹ để kiểm tra lại cung cầu tại vùng quanh 1.475 điểm, tuy nhiên vẫn cần lưu ý rủi ro suy yếu vẫn đang hiện hữu.
Xăng tăng giá - Áp lực đề nặng lên tăng trưởng kinh tế
Lý giải về tuần giao dịch không mấy tích cực với nhiều phiên giảm giá, các nhà phân tích tài chính trên thị trường cho rằng, quan ngại giá xăng dầu tiếp tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả chính sách tài khoá như giảm 2% thuế VAT đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng.
Ở trong nước, chiều ngày 11/03/2022, giá mỗi lít xăng RON 95 tăng gần 3.000 đồng, lên 29.820 đồng - mức chưa từng có trong lịch sử.
Trước đó, TS.Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, căng thẳng Nga - Ukraine và phương Tây và các biện pháp trừng phạt được dự báo làm suy giảm tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát toàn cầu sẽ tạo sức ép cho các việc điều chỉnh các biện pháp điều hành kinh tế của Việt Nam hiện nay.
Đặc biệt, cuộc xung đột này làm gia tăng sức ép lên giá xăng dầu khiến giá của mặt hàng quan trọng này năm 2022 có thể tăng bình quân 30-40% so với bình quân giá dầu năm 2021.
Với kịch bản này, trên cơ sở tham khảo kết quả đánh giá tác động của giá xăng dầu tăng 10% đối với tăng trưởng, lạm phát của Tổng Cục Thống kê, kết quả tính toán sơ bộ của Nhóm tác giả cho thấy thâm hụt thương mại xăng dầu sẽ lên mức 9 tỷ USD (so với mức 6,3 tỷ USD năm 2021); CPI bình quân cả năm tăng thêm 0,8-1 điểm %, lên mức 3,8-4,2%; GDP năm 2022 sẽ giảm khoảng 1,1-1,3 điểm %.
Khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,7-5,9% (so với mức dự báo 6,5-7% hồi đầu năm hay cuối tháng 2) và có thể thấp hơn, ở mức 4,5-5% nếu kịch bản xấu hơn xảy ra.