Phát hiện chấn động ở Trung Quốc: Virus trên bao bì thực phẩm đông lạnh có thể lây Covid-19 cho người
Trong quá trình tìm kiếm nguồn gốc ổ dịch Covid-19 bùng phát hồi tuần trước ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông; các quan chức y tế Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã phát hiện ra virus SARS-CoV-2 còn sống trên một mẫu bao bì cá tuyết đông lạnh. Kết luận mới đây nhất của CDC Trung Quốc được coi là phát hiện đầu tiên trên thế giới về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 qua việc tiếp xúc với bao bì thực phẩm đông lạnh xuất khẩu.
Vụ dịch Covid-19 tại Trung Quốc bùng phát từ tháng 9, khi hai nhân viên làm việc tại cảng Thanh Đảo được chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2 và lây nhiễm cho 12 người bệnh khác liên quan tại bệnh viện Thanh Đảo trong thời gian thực hiện cách ly.
Tuy nhiên, một giáo sư virus học từ Đại học Hồng Kông là Jin Dong Yan lại cho rằng tuyên bố của CDC Trung Quốc là không đủ bằng chứng để khẳng định nguồn lây nhiễm Covid-19 của hai công nhân Thanh Đảo là từ virus SARS-CoV-2 trên bao bì thực phẩm chứ không phải bất kỳ nguồn tiếp xúc nào khác. Cho đến nay, ngoài hai ca nhiễm này, CDC Trung Quốc chưa phát hiện bất cứ công dân nào mắc Covid-19 do tiếp xúc với bao bì thực phẩm đông lạnh chứa virus, tờ Reuters cho hay.
Chỉ virus còn sống mới có nguy cơ lây nhiễm sang người, và nguy cơ gây bệnh là rất thấp. Nhưng các mẫu virus chết cũng sẽ cho kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, ông Jin Dong Yan cho hay.
Kể từ tháng 6, khi một ổ dịch Covid-19 không rõ nguồn gốc bùng phát tại chợ buôn hải sản Tân Phát Địa (Bắc Kinh), chính phủ Trung Quốc đã phát hiện ra dấu vết mầm bệnh trên thớt chế biến hải sản đông lạnh nhập khẩu. Liên tục từ đó đến nay, các nhà chức trách Trung Quốc đã siết chặt công tác kiểm định thịt, hải sản, thực phẩm nhập khẩu như một nguồn lây tiềm năng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 9, chỉ có 6 trên khoảng 500.000 mẫu thử xét nghiệm được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Và mẫu bao bì cá đông lạnh từ nhà xuất khẩu thủy sản PT Putri Indah của Indonesia chính là trường hợp mới nhất.
Trước đó, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu hàng loạt sản phẩm bao gồm thịt đông lạnh và tôm Ecuador, cánh gà Brazil… sau khi các xét nghiệm cho ra kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 tương tự.
Hiện CDC Trung Quốc đã đưa ra khuyến cáo yêu cầu các nhân viên xử lý, chế biến và bán thực phẩm đông lạnh nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm; không đưa tay lên miệng, mũi trước khi cởi bỏ trang phục làm việc và thường xuyên đi xét nghiệm Covid-19 để phát hiện bệnh trong trường hợp bị lây nhiễm không triệu chứng.
Một nghiên cứu của Australian Centre for Disease Preparedness - trung tâm thí nghiệm an toàn sinh học hàng đầu nước Úc mới đây cũng cho kết luận virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong vòng 28 ngày trên các bề mặt nhẵn như màn hình smartphone, kính, tiền giấy ở nhiệt độ thông thường (khoảng 20 độ C). Khoảng thời gian này lâu hơn cả thời gian sống sót 17 ngày của virus cúm thông thường.
“Kết quả những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm trên các bề mặt trong thời gian dài. Điều này thúc đẩy việc rửa tay thường xuyên và làm sạch các bề mặt (để hạn chế sự lây nhiễm virus)” - ông Debbie Eagles, phó giám đốc trung tâm Australian Centre for Disease Preparedness cho hay.