Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng mạnh
Nợ nước ngoài quốc gia dưới mức trần, nợ nước ngoài của Chính phủ giảm mạnh
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Ảnh: VGP/Thành Chung
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2018, tổng nợ nước ngoài của quốc gia trên GDP đã giảm xuống còn 46%, kém 4% so với mức trần 50% mà Quốc hội cho phép. Khu vực nợ của chính phủ chỉ còn 19,3% GDP, nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh còn 4,4% GDP và 22,3% GDP còn lại nằm ở diện doanh nghiệp tự vay tự trả.
Đây là con số ngày càng khả quan, thể hiện ở cơ cấu nợ ngày càng thu hẹp và trong tầm kiểm soát. Hồi cuối năm 2017, nợ nước ngoài của Việt Nam ở mức 48,9% GDP, sát ngưỡng trần 50%. Còn trong giai đoạn 2011-2017, chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia so với GDP có xu hướng tăng nhanh, bình quân khoảng 16,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP theo giá hiện hành là 13,0%/năm trong cùng giai đoạn.
Đánh giá về kết quả này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ sự lạc quan về khu vực nợ nước ngoài của Chính phủ giảm mạnh, tốc độ tăng nợ ngày càng thấp. Cơ cấu nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh ngày càng giảm, chiếm tỷ trọng hạn chế. Đa số nợ nước ngoài tập trung vào khối doanh nghiệp FDI do nhu cầu vốn tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, nợ nước ngoài của doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng theo hình thức tự vay tự trả chiếm khoảng 48,4% tổng nợ nước ngoài quốc gia, tăng mạnh so với tỷ lệ 25,6% năm 2011 và 40,4% của năm 2016. Trong số 48,4% này, khối doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 76% tổng nợ doanh nghiệp.
“Việc tăng nợ nước ngoài quốc gia tuy đáp ứng được nhu cầu vốn và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng nhưng cũng tác động tới khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ, Ban ngành tăng cường công tác điều hành, quản lý, giám sát nợ theo quy định pháp luật cũng như các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô mà vẫn đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan, Bộ, ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch nợ nước ngoài quốc gia cũng như hoàn thiện pháp luật về quản lý nợ tự vay tự trả của DN, tập trung giám sát tổng nợ, cơ cấu nợ của các khu vực và có tính tới rủi ro đối với từng doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Riêng Bộ Kế hoạch & Đầu tư có nhiệm vụ rà soát, đánh giá tổng thể các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dự án có tổng mức đầu tư lớn, đánh giá tác động của điều kiện vay nước ngoài đến mục tiêu tăng trưởng bền vững và thu hút FDI, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp, giảm thiểu tình trạng vốn mỏng, chủ động đề xuất khắc phục, sửa đổi bổ sung các dự luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp...
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp vượt mục tiêu 2020
Ảnh: VGP/Thành Chung
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính riêng trong nửa đầu năm 2019, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) rơi vào khoảng 116.085 tỷ đồng, tức tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối doanh nghiệp Bất động sản phát hành khối lượng trái phiếu trị giá 22.122 tỷ đồng, chiếm 19% tổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Khối ngân hàng thương mại (NHTM) phát hành 36.700 tỷ đồng trái phiếu, chiếm khoảng 36% tổng phát hành trái phiếu. Lượng phát hành của công ty chứng khoán chiếm 3,5%, còn lại là các DN khác.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân đạt mức 9,5%-11%/năm, bằng hoặc cao hơn 0,5% so với mức lãi vay phổ biến của các ngân hàng thương mại.
Như vậy, quy mô thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp tính đến hết nửa đầu năm 2019 có mức vốn hóa bằng 10,22% GDP, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mục tiêu 7% GDP vào năm 2020.
Đánh giá về điều này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển nhanh chóng, thể hiện ở nhu cầu vốn tăng trưởng mạnh của doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực nhiều rủi ro như doanh nghiệp bất động sản trong khi tăng trưởng tín dụng thắt chặt.
Mặt tích cực dễ thấy trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm là từng bước hình thành kênh cung vốn trung, dài hạn phục vụ nhu cầu doanh nghiệp, qua đó giảm bớt áp lực cho vay của ngân hàng thương mại mà vẫn đáp ứng được nhu cầu vốn doanh nghiệp mọi lĩnh vực. Kỳ hạn phát hành trái phiếu doanh nghiệp dài, trong đó có 66% tổng lượng phát hành là trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Nhà đầu tư cá nhân chiếm 6,1%, còn lại là các nhà đầu tư tổ chức.
“Lãi suất một số đợt phát hành cao từ 13- 14%, cá biệt có doanh nghiệp bất động sản phát hành tới 14-15% cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác. Tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin phân tích rủi ro. 70% doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý. Vốn huy động có thể sử dụng chưa đúng mục đích do chưa có báo cáo sử dụng vốn có ý kiến của kiểm toán theo quy định của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. Và 98% các đợt phát hành là riêng lẻ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khái quát.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ban ngành tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật chứng khoán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tiến hành rà soát các quy định, luật pháp liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Các quy định pháp luật liên quan như rút ngắn thời gian phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp huy động vốn, chính sách phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trái phiếu...cũng cần được hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung.