Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát thêm Dự án vận tải hàng không Cánh Diều
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến việc thẩm định dự án vận tải hàng không Cánh Diều.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam rà soát các căn cứ pháp lý để thẩm định chủ trương đầu tư dự án. Trong đó, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020).
Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kết luận rõ về việc dự án đã đáp ứng đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2020, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có Báo cáo số 15/BC-BKHĐT về kết quả thẩm định Dự án vận tải hàng không Cánh Diều.
Tuy nhiên, tại thời điểm trình Báo cáo số 15, Bộ Kế hoạch và đầu tư chưa căn cứ Nghị định số 89 để tiến hành thẩm định Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, mặc dù các điều kiện kinh doanh mà nghị định mới đưa ra được đánh giá là tạo nhiều thuận lợi dễ dàng hơn cho một doanh nghiệp hàng không gia nhập thị trường.
Trong Báo cáo số 15, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không mới chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển.
Trong những năm tiếp theo, nhà đầu tư sẽ mở các đường bay quốc tế nhằm nhằm thúc đẩy giao lưu và hội nhập văn hóa, kinh tế khu vực và quốc tế.
Trước đó, tại buổi cáo cáo với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải về dự án thành lập Hãng hàng không Cánh Diều mới đây, ông Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần hàng không Thiên Minh cho biết doanh nghiệp đã gửi hồ sơ đề xuất thành lập hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam với số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng.
"Doanh nghiệp dự kiến khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào quý I/2020 với 6 tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Đến năm khai thác thứ 5 (2025), đội tàu bay sẽ tăng lên 30 chiếc, bao gồm 15 tàu bay ATR72 và 15 tàu bay A320/321 hoặc tương đương", ông Quân nói.
Đại diện hãng hàng không Cánh Diều cũng cho biết tổng mức đầu tư dự án là 5.500 tỷ đồng. Trong đó, có 4.500 tỷ đồng vốn cố định (bao gồm 2.300 tỷ đồng đầu tư tàu bay ATR, 1.700 tỷ đồng thuê khô tàu thân hẹp và 500 tỷ đồng đầu tư thiết bị, văn phòng). Trong số 4.500 tỷ đồng này, dự kiến 28% vốn chủ sở hữu (1.530 tỷ đồng); 72% còn lại là đi vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài.
Ông Quân cũng cho biểt hãng hàng không Cánh Diều lựa chọn ATR72-600 là phương tiện khai thác chủ lực. Loại máy bay này có tổng số ghế 78, tăng 14% so với loại ATR đang khai thác hiện nay tại Việt Nam. Tiêu hao nhiên liệu của ATR72-600 hiện bằng 1/3 tàu phản lực thân hẹp. Thời gian quay đầu chỉ 20 phút. Một máy bay khai thác chỉ cần 4 người trong phi hành đoàn, 2 phi công và 2 tiếp viên.
Lãnh đạo hãng hàng không này nhận định cơ hội thị trường của họ nằm ở 4 sân bay, gồm: Điện Biên, Cà Mau, Kiên Giang, Côn Đảo. Thậm chí cả khu vực tiểu vùng sông Mê Kong vẫn còn dư địa lớn.