Phối hợp bảo vệ nguồn gốc xuất xứ của gỗ Việt
Ngày 21/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương và Tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức hội thảo “Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành gỗ Việt: Chuyển dịch đầu tư nước ngoài, cơ hội và rủi ro trong xuất nhập khẩu”.
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, Trung Quốc là quốc gia cung cấp các sản phẩm gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 30 tỷ USD. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thời gian qua là một trong những nguyên nhân tạo ra sự dịch chuyển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp từ Trung Quốc sang các quốc gia khác nhằm tránh các mức thuế mới áp dụng đối với các mặt hàng từ Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là cơ hội cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
"Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không nắm vững những quy định cần thiết và đáp ứng đủ điều kiện về xuất xứ hàng hóa sẽ là hiểm họa đối với họ. Khi Hoa Kỳ phát hiện doanh nghiệp nào gian lận về xuất xứ hàng hóa thì hàng hóa đó sẽ bị chặn lại và những doanh nghiệp khác có thể sẽ bị ảnh hưởng theo", bà Trần Thị Thu Hương khuyến cáo.
Hiện nay, VCCI đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa (C/O) trong cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát và từng đơn vị cấp C/O cũng phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tại doanh nghiệp về nhà xưởng, máy móc, năng lực sản xuất...
“Để ngăn chặn tốt việc gian lận trong thương mại cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, nhất là nguồn thông tin dữ liệu từ Hải quan”, bà Trần Thị Thu Hương cho hay.
Hành vi gian lận thương mại có thể gây ra những tổn hại vô cùng lớn cho ngành gỗ Việt Nam.
Về thu hút đầu tư, ông Phạm Tuấn Long, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng cho rằng, nhà nước cũng như các địa phương đều tạo mọi điều kiện thông thoáng, hỗ trợ tích cực doanh nghiệp trong đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hiệp hội cần nâng cao ý thức trong việc tuân thủy các quy định pháp luật và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát. Đặc biệt là nâng cao vai trò quản lý của cơ quan quản lý đầu tư và sau khi cấp phép phải quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư.
Hành vi gian lận thương mại có thể gây ra những tổn hại vô cùng lớn cho ngành gỗ Việt Nam. Xác định và giảm thiểu các rủi ro mới phát sinh là vấn đề cấp bách của ngành gỗ, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho rằng, các cơ quan quản lý cần đánh giá tổng thể các loại hình rủi ro trong các dự án đầu tư FDI cũng như các sản phẩm xuất khẩu.
Để thực hiện có hiệu quả vấn đề này, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương rà soát tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI; các dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng như từ Trung Quốc vào Việt Nam nhằm xác định các rủi ro về gian lận thương mại.
Theo ông Tô Xuân Phúc, quy trình cấp phép C/O cần phải được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận chỉ cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện. Các hiệp hội chú trọng việc cập nhật thông tin từ đối tác và các cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên, tránh các rủi ro không đáng có trong thương mại.