Qatar đăng cai World Cup 2022: Cái giá quá đắt?
Đua tiến độ, hàng ngàn tai nạn lao động để "trải thảm" cho World Cup?
Không thể phủ nhận độ “chịu chơi” của Chính phủ Qatar khi chi tới 200 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ kỳ World Cup diễn ra vào năm 2022. Sẽ có tới 8 sân vận động được xây dựng cho sự kiện thể thao được trông đợi nhất hành tinh, một trong số đó đã khánh thành giữa tháng 5.2019 với quy mô 40.000 chỗ ngồi và kiến trúc lộng lẫy ấn tượng. Nhưng hóa ra, mặt trái của sự “chịu chơi” này ẩn chứa những bí mật kinh hoàng.
Sau khi sự việc một công nhân Anh tử vong tại sân vận động Khalifa thu hút báo giới vào cuộc, điều kiện làm việc như nô lệ của hàng trăm ngàn người lao động nghèo trên các công trường ở thủ đô Doha khiến thế giới phải bàng hoàng phẫn nộ. Họ trải qua mỗi ngày với nước và bánh mì, ngủ trong những lều trại thô sơ và làm quần quật dưới cái nóng 45 độ. Tính đến giữa năm 2019, khoảng 1.600 người lao động đã chết vì tai nạn lao động và rất nhiều nguyên nhân khác mà không nhận được một lời động viên hay khoản bồi thường nào từ Chính phủ Qatar.
Nếu tình trạng hiện tại tiếp tục kéo dài, 4.000 công nhân sẽ chết cho đến khi các công trình phục vụ World Cup 2022 được hoàn thành, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin quốc tế. Người lao động nước ngoài từ các quốc gia Nam Á như Ấn Độ hay Nepal chiếm tới 88% dân số Qatar nhưng bị đối xử tàn tệ nhất. Một số gia đình thậm chí không biết người thân qua đời vì bị cắt đứt liên lạc.
Hàng ngàn công nhân đã chết trên những công trường ở Qatar
Cùng với đó, những luật lệ Hồi giáo khắc nghiệt, sự coi thường rẻ rúng phụ nữ ở Qatar khiến người ta liên tưởng nhiều hơn đến xã hội thời Trung cổ chứ không phải một quốc gia giàu có và tiến bộ. Một ví dụ nhỏ, ở Qatar, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là một tội đáng để tử hình còn đồng tính luyến ái là bất hợp pháp.
Hàng loạt vấn nạn bóc lột sức lao động, phân biệt đối xử dã man làm dấy lên những quan ngại nhân quyền sâu sắc, khiến thế giới phải cân nhắc liệu Qatar có xứng đáng trở thành địa điểm đăng cai kỳ World Cup 2022?
Kỳ World Cup không cồn
Lo lắng tiếp theo của fan túc cầu về kỳ World Cup tại Qatar chính là sự hạn chế đồ uống có cồn, như bia và rượu. Tại Qatar, đồ uống có cồn được bán rất hạn chế và bị đánh thuế tới 100% từ hồi đầu năm 2019. Nghĩa là bình quân, bạn sẽ phải chi ít nhất là gấp đôi tiền cho mỗi chai bia hoặc rượu, trong trường hợp có thể mua được. Một số loại đồ uống thậm chí đội giá gấp 30 lần so với các thị trường khác.
Trong nhiều thập kỷ, Budweiser đã là một trong những nhà tài trợ chính cho World Cup. Điều gì sẽ xảy ra với một kỳ World Cup không cồn ở Qatar?
Để xoa dịu fan bóng đá, chính phủ Qatar hồi đầu tháng 7 đã giảm 30% thuế với đồ uống có cồn, và đảm bảo rượu bia sẽ được bán trong suốt kỳ World Cup. Nhưng bạn sẽ phải tìm đến những địa điểm được phép bán rượu bia và thưởng thức đồ uống ngay tại đó.
Không uống bia trong sân vận động, không uống bia ngoài đường phố và nơi công cộng. Tức là nhiều khả năng fan bóng đá sẽ uống nước cam mừng bàn thắng, vì đâu có sự lựa chọn nào khác?
“Chơi lớn” vì World Cup, kinh tế Qatar lao đao
Những báo cáo tăng trưởng đầu năm 2019 từ Bloomberg đã cho thấy sự giảm tốc rõ rệt của nền kinh tế Qatar, mà các khoản đầu tư trăm tỷ USD cho kỳ World Cup là nguyên nhân chính.
Sân vận động Al Wakrah vừa hoàn thành hồi tháng 5.2019 phục vụ World Cup 2022
Kể từ khi giành được quyền đăng cai kỳ World Cup 2022 vào năm 2010, xây dựng chính là ngành đạt tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế nước này. Qatar đã dành gần một thập kỷ để hoàn thành các nhà ga, sân bay, công trình giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Những khách sạn, dịch vụ ăn uống và lưu trú cũng được đầu tư đúng mức. Công nhân từ khắp Nam Á đổ về Doha, hàng chục tòa nhà mọc lên mỗi ngày trước khi kỳ World Cup bắt đầu.
Nhưng giờ đây, Qatar đã bước vào giai đoạn hoàn thiện hạ tầng. Điều đó đồng nghĩa với việc cơn sốt xây dựng bắt đầu lắng xuống. Trong quý I/2019, tăng trưởng của ngành xây dựng Qatar giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này kéo theo sự giảm tốc trong phần còn lại của nền kinh tế.
Tình hình còn tồi tệ hơn sau khi hàng loạt quốc gia láng giềng gồm Arab Saudi, UAE, Ai Cập...đồng thời áp đặt hàng rào thương mại và chính trị với Qatar hồi năm 2017 về các cáo buộc ủng hộ khủng bố mà Doha phủ nhận.
FIFA có tự “đào mộ” chính mình?
Chủ tịch UEFA Michel Platini chỉ là một trong số nhiều quan chức FIFA bị nghi nhận hối lộ để trao quyền đăng cai World Cup cho Qatar
Hồi tháng 6.2019, sau nghi vấn cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini nhận hối lộ để trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho FIFA, nhiều nguồn tin cho hay FIFA đã họp khẩn để tước quyền chủ nhà của Qatar. Cảnh sát đã điều tra cuộc gặp gỡ bí mật giữa ông Michel và Tổng thống Pháp nhiệm kỳ đó Nikolas Sarkozy cùng thái tử Tamin bin Hamad Al Thani của Qatar chỉ 10 ngày trước khi chủ nhà World Cup 2022 về tay Qatar. Nhưng chỉ 1 ngày sau đó, ông Michel Platini được thả, ông này khẳng định mình vô tội.
Dù vậy, các nghi vấn dàn xếp và sự phản đối World Cup diễn ra tại Qatar vẫn khiến cộng đồng fan bóng đá thế giới xôn xao trong suốt những năm qua. Nhất là khi sự thực xấu xí phía sau những công trình hoành tráng ở Qatar được phơi bày, động cơ của FIFA khi lựa chọn Qatar làm chủ nhà World Cup càng khiến người ta thắc mắc.