Sản lượng lợn năm 2023 của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm 2%, giá lợn hơi Việt Nam sẽ tăng cao ?
Giá lợn hơi hôm nay 30/4: Duy trì xu hướng giảm trong tuần tới?
Tuần này, giá lợn hơi dao động lên xuống trái chiều liên tục tuy nhiên giá thị trường vẫn chưa có biến động lớn, mức giá trung bình toàn quốc vẫn giữ ở mức 52.300 đồng/kg. Nhiều tỉnh còn chững giá, người dân đang hồi họp lo ngại liệu thị trường sẽ chuyển biến tiếp theo chiều hướng lên hay xuống?
Ngày 30/4, giá lợn của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam giữ mức 56.500 đồng/kg. Giá lợn Trung Quốc cuối tuần đứng ở mức 48.900 đồng/kg vẫn ở mức thấp so với đầu tháng 4.
Giá lợn hơi trung bình tại Trung Quốc biến động theo xu hướng giảm trong tháng 3, vì lượng giết mổ tăng mạnh trong giai đoạn này khiến nguồn cung trên thị trường nhiều hơn.
Theo đó, giá lợn tại nước này đã giảm gần 8,2% trong tháng 3, từ 16 nhân dân tệ/kg (NDT/kg) hồi đầu tháng xuống còn 14,69 NDT vào cuối tháng.
Sự sụt giảm trong giai đoạn này đã xoá bỏ toàn bộ đợt tăng mạnh hồi tháng 2, khiến giá lợn hơi tại Trung Quốc giảm trong quý I, giảm 4,5%. Đầu năm có thời điểm giá lên cao nhất ở 16,55 NDT/kg vào ngày 23/1.
Theo báo cáo công bố hồi đầu tháng 3 của USDA, sản lượng lợn trong năm 2023 của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 700 triệu con do lượng lợn nái tồn kho bình quân năm 2022 thấp hơn so với năm 2021.
Tuy nhiên, sản lượng thịt lợn ước đạt 55,5 triệu tấn, tăng nhẹ so với năm ngoái. Các nhà sản xuất dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ hơn của người tiêu dùng sau khi chính quyền Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19. Tăng trưởng hơn nữa trong sản lượng thịt lợn sẽ bị hạn chế bởi giá thịt. Vào năm 2023, các nhà sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục vỗ béo đàn lợn của họ khi cho rằng giá sẽ tăng.
Về nhập khẩu, thu mua thịt lợn từ thị trường nước ngoài trong năm nay của Trung Quốc được dự báo tăng gần 4% so với cùng kỳ lên 2,2 triệu tấn do nhu cầu của người tiêu dùng mạnh hơn sau khi các hạn chế do Covid kết thúc, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ bị kìm hãm bởi sản xuất trong nước cao hơn.
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi của ta hôm nay không ghi nhận sự biến động so với ngày trước đó và dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá cao nhất khu vực 54.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hưng Yên. Ở chiều ngược lại, mức giá thấp nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại các tỉnh gồm Yên Bái, Lào Cai và Tuyên Quang. Các tỉnh thành còn lại duy trì giao dịch ổn định trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay lặng sóng và dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá cao nhất khu vực 54.000 đồng/kg được ghi nhận tại hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Định. Mức giá thấp nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại Quảng Bình. Ngoại trừ Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng đứng mức giá 53.000 đồng/kg, lợn hơi tại các địa phương còn lại trong khu vực cùng đứng ở mức 52.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại TP.Hồ Chí Minh. Ở chiều ngược lại, mức giá cao nhất khu vực 54.000 đồng/kg được ghi nhận tại Vũng Tàu.
Tính chung, trong tuần qua, giá lợn hơi biến động theo chiều hướng đi xuống. Mức giá lợn trung bình các khu vực hiện vẫn trên mức 50.000 đồng/kg. Trong đó, ngày 30/4, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi trung bình ở mức 52.760 đồng/kg; tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên giá lợn hơi trung bình ở mức đang ở mức 52.140 đồng/kg; còn tại khu vực vực miền Nam giá lợn hơi trung bình ở mức ở mức 53.100 đồng/kg.
Thị trường kỳ vọng sức mua sẽ tăng trong kỳ nghỉ lễ dài ngày nhờ các hoạt động vui chơi tập thể và sum họp gia đình.
Trước đó, giá lợn hơi tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận giảm trên cả nước trong tháng 3 và quý I khi sức mua thấp do ảnh hưởng bởi lạm phát, cộng với xu hướng giảm ăn thịt lợn, tăng ăn thịt gà, thuỷ sản.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, chăn nuôi lợn có mức tăng sản lượng cao nhưng lại gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn. Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, tăng từ 5 - 5,5% so với năm 2022, trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%.
Về tình hình dịch ASF, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thông tin, từ đầu năm đến đầu tháng 3, cả nước đã ghi nhận 68 ổ dịch ASF tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 2.984 con lợn. So với cùng kỳ năm 2022, số tỉnh có dịch giảm 50%, số ổ dịch giảm 87,4%, số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm gần 87,95%.
Tuy dịch có giảm hơn năm 2022, nhưng theo khuyến cáo của Cục Thú y, nguy cơ dịch tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân là do virus ASF có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Thêm vào đó, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, trong khi không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh.
Giá lợn hơi trung bình cả nước dao động theo xu hướng giảm nhẹ là chủ đạo, với miền Bắc là khu vực duy nhất ghi nhận biến động mạnh vào giữa tháng. Theo đó, giá lợn tại miền Bắc giảm mạnh từ gần 50.000 xuống hơn 47.000 đồng vào giữa tháng, nhưng phục hồi trở lại vào cuối tháng. Như vậy, giá lợn tại khu vực giảm khoảng 1,1% trong tháng 3.
Hai miền, Trung – Tây Nguyên và miền Nam báo mức giảm mạnh hơn, lần lượt là hơn 2,2% và 1,9%.
Hiện, giá lợn hơi trung bình trên cả nước đang dao động trong khoảng 48.000 – 52.300 đồng/kg.
Nguồn cung thực phẩm dồi dào, trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng bởi lạm phát, cộng với xu hướng giảm ăn thịt lợn, tăng ăn thịt gà, thuỷ sản... khiến giá lợn hơi liên tục ở mức thấp trong thời gian qua.
Xu hướng chính của giá lợn hơi trong quý I vẫn là giảm giá, sau khi tăng nhẹ trong tháng đầu năm nhờ nhu cầu gia tăng trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu xuống dốc vào đầu tháng 2 và kéo dài cho tới hết tháng 3.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ hồi phục trở lại, nhưng vẫn chưa thể như trước khi có dịch Covid-19. Thịt lợn đang mất dần vị trí là lựa chọn số một của người nội trợ đối với nhóm đạm động vật.
Ngoài ra, tình trạng già hóa dân số tại Việt Nam khiến người dân cũng bắt đầu phải ý thức hơn về loại thực phẩm được lựa chọn để tiêu thụ. Tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp sẽ ngày càng tăng lên, điều này khiến cho thịt lợn sẽ dần dần không còn là sản phẩm tiêu dùng hàng đầu của người dân nữa.
Những tháng còn lại của năm 2023, dự báo chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Giá con giống và thức ăn chăn nuôi vẫn đứng ở mức cao, ngày càng nhiều hộ treo chuồng, khi chăn nuôi công nghiệp phát triển, nông dân rất khó cạnh tranh về giá thành sản xuất.