Sản vật từ cao nguyên đá

27/01/2020 07:00 GMT+7
Cuối năm, khi thời tiết se lạnh thì những người dân vùng cao nguyên đá Hà Giang cũng bước vào mùa thu hoạch một loại sản phẩm quý hiếm. Sản vật tinh túy thảo dược đó chính là mật ong bạc hà.
Sản vật từ cao nguyên đá - Ảnh 1.

Thu hoạch mật ong. Ảnh: Quyết Chiến/TTXVN

Hằng năm, từ cuối tháng 9 đến hết tháng 12, thời tiết nơi đây se lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho cây hoa bạc hà nở rộ. Đó cũng là mùa vụ của những con ong đi lấy mật. Người dân của 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ và Yên Minh lại bước vào vụ thu hoạch mật ong bạc hà, một sản phẩm mang lại cho họ khoản thu nhập khá.

Bạc hà là cây mọc hoang dại, tự nhiên, nhưng cũng là loài cây “đỏng đảnh” bởi chỉ cần thay đổi thời tiết hay một vài cơn gió mạnh là có thể ngừng tiết mật và rụng phấn. Cứ mỗi mùa hoa nở là người nuôi ong lại bước vào cuộc sống kiểu du mục, ăn ngủ, nghỉ và di chuyển cùng các đàn ong và hoa nở. Khi đó, ông Sùng Mí Chả, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc lại cắm nhà bạt tại các cánh đồng bạc hà để thu hoạch mật ong.

Ông Sùng Mí Chả chia sẻ, trước đây gia đình ông chỉ nuôi ong theo kiểu tự cung tự cấp. Nhưng nay, giá mật ong bạc hà ngày càng cao vì sản phẩm chỉ có giới hạn, gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình trong thôn, xã đã biết mở rộng quy mô nuôi ong cũng như cách phát triển vùng cây bạc hà để làm kinh tế. Việc phát triển đàn ong và sản phẩm mật ong bạc hà ngày càng giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Từ khi đầu tư tăng đàn ong đã đem lại cho gia đình ông Sùng Mí Chả lợi nhuận cao, trừ chi phí cũng có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/vụ từ mật ong.

Mật ong bạc hà có màu xanh nhạt, pha lẫn chút màu vàng nhạt. Loại mật ong này có mùi thơm đặc trưng riêng, vị ngọt dịu mát, đặc sánh… là thứ mật thơm ngon hơn hẳn các loại mật ong khác và có giá trị dinh dưỡng cao.

Mật ong bạc hà càng trở nên quý giá và đắt đỏ hơn khi sản phẩm này được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý vào năm 2013. Kể từ đó, mật ong bạc hà của Hà Giang không ngừng được nâng cao giá trị cũng như tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Sản xuất mật ong bạc hà chủ yếu là của người dân địa phương, nhưng để tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, tại nhiều địa phương đã phát triển các hợp tác xã chuyên sản xuất loại sản phẩm này. Điển hình Hợp tác xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc hiện có 26 hộ dân trên địa bàn trong hợp tác xã; trong đó 23 là hộ là người dân tộc.

Anh Hoàng A Páo, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Tả Lủng cho biết, hợp tác xã đang có 2.000 đàn ong, năm nay sẽ sản xuất được sản lượng 8.000 lít mật ong, tăng 30% so với năm ngoái nhờ thời tiết rất thuận lợi, hoa bạc hà tạo độ mật và màu tốt hơn mọi năm.

Anh Hoàng A Páo cho biết, trước khi vào mùa vụ, hợp tác xã đã tập huấn cho các thành viên nuôi và quay mật theo quy trình. Giá mật ong của hợp tác xã hiện nay được xếp vào hàng cao nhất trên thị trường, từ 500.000 đến 1 triệu đồng/lít. Mật ong của hợp tác xã được sản xuất tự nhiên, sản phẩm làm ra đạt chất lượng về độ thủy phần tương đương với sản phẩm đã hạ thủy phần (tách nước). Sản phẩm không cần đến khâu hạ thủy phần đã đạt được chất lượng hoàn hảo.

Theo anh Hoàng A Páo, việc hạ thủy phần sẽ làm mật ong bạc hà mất đi một số chất cũng như màu đẹp tự nhiên của mật. Để khuyến khích các thành viên nâng cao chất lượng, hợp tác xã đảm bảo đầu ra cho nông dân, sản phẩm tốt giá sẽ cao, nếu không tốt thì sản phẩm đó sẽ không thể có đầu ra. Hợp tác xã cũng công khai giá bán để nông dân cũng có lợi nhuận từ sản phẩm bán ra.

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục