Sau khi giá xăng xuống thấp kỷ lục, nhiều kiến nghị giảm giá điện

30/03/2020 17:01 GMT+7
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp, địa phương đã kiến nghị giảm giá điện nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

Mới đây, UBND TP.HCM đã kiến nghị gửi Bộ Công Thương về việc bãi bỏ quy định bán điện theo khung giờ giờ cao điểm. Ngoài ra, TP. HCM đề xuất điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm trong các tháng 3, 4 và 5.

Cụ thể, theo quy định hiện nay về giờ bán điện, giờ cao điểm gồm các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy trong khoảng thời gian từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 (2 giờ) và từ 17 giờ đến 20 giờ (3 giờ). Với các ngành sản xuất, giá bán điện giờ cao điểm cao nhất là 3.076 đồng/kWh; với kinh doanh giá điện giờ cao điểm cao nhất là 4.587 đồng/kWh.

Theo tính toán của Trung tâm Điều độ TP.HCM, dự báo nhu cầu phụ tải trong năm 2020 của TP tiếp tục gia tăng. Trong đó, sản lượng điện thương phẩm ước mức 27,731 tỷ kWh, tăng khoảng 6,25% so với năm 2019. Công suất cực đại ước mức 4.900 MW, tăng 7,26% và sản lượng ngày cao nhất ước đạt 94,74 triệu kWh, tăng 5,22% so với cùng kỳ.

Sau khi giá xăng thấp kỷ lục, nhiều kiến nghị giảm giá điện - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp, địa phương kiến nghị giảm giá điện trong thời gian tới.

Về phía doanh nghiệp, vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã có kiến nghị gửi Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng. Ngoài ra, VASEP cũng đề xuất cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác như CTCP May Hồ Gươm, Tập đoàn Đồng Tâm,... cũng gửi tới Chính phủ các kiến nghị để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó có việc giảm giá điện.

Theo đại diện tập đoàn Đồng Tâm cho hay, Chính phủ có thể hỗ trợ khẩn cấp chi phí sinh hoạt cơ bản của người dân bằng hình thức giảm giá điện. Theo đó, Chính phủ có thể giảm giá điện 50%, cho nợ 50% còn lại, áp dụng vào 3 tháng được cho là đỉnh điểm khó khăn của mùa dịch là tháng 4, 5 và 6. Ngoài ra, khoản nợ tiền 50% trong 3 tháng đỉnh điểm năm nay có thể chia đều và thanh toán vào năm 2021.

Nói về vấn đề trên, PGS, TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết, giá điện của Việt Nam hiện nay là do Nhà nước quản lý, không theo cơ chế thị trường. Vì vậy, nếu Nhà nước cần thấy quản lý thì có thể quyết giảm trong thẩm quyền.

Theo ông Nghĩa phân tích, hiện tại, cách giảm giá điện là Chính phủ xem xét mức giảm cụ thể, sau đó vào kỳ quyết toán cuối cùng hàng năm, có thể giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và cung ứng điện.

Bên cạnh đó, Chính phủ có thể yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất điện giảm giá. Tuy nhiên, cách này không dễ thực hiện, do giá điện phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào, không giống như xăng dầu, giá giảm là do biến động đầu vào của thế giới.

Trước đó, Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, cơ quan này đã thực hiện việc tiết kiệm chi phí thường xuyên để giảm giá thành sản xuất kinh doanh điện, qua đó không điều chỉnh tăng giá điện.

Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng thông tin thêm, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều lĩnh vực công nghiệp, thương mại đã chậm lại, nhu cầu điện có giảm đi nên tình hình căng thẳng điện chưa diễn ra. Tuy nhiên, trong thời gian lâu dài, tình hình khó khăn về điện là rõ ràng.

"Hiện nay, trong ngành năng lượng chúng ta có rất nhiều dự án đầu tư lớn để đáp ứng cho nhu cầu năng lượng của đất nước. Dự báo trong thời gian tới do dịch bệnh Covid – 19, tiến độ đầu tư của các dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đưa ra những đề xuất rất cụ thể để một mặt chúng ta kiểm soát được dịch bệnh nhưng mặt khác chúng ta cũng hạn chế được tối đa những tác động tiêu cực tới tiến độ đầu tư", Thứ trưởng Khánh cho hay.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục