TS. Nguyễn Tiến Thỏa: “Khó kỳ vọng một biểu giá điện mà 100% người dân chấp nhận”

07/03/2020 16:51 GMT+7
Theo các chuyên gia nhận định, kịch bản biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang mới được Bộ Công Thương đề xuất là khá phù hợp. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu, xem xét thêm về các bước nhảy giữa các bậc thang để tạo áp lực về giá ở những bậc cao và tăng tính khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.

Khuyến khích tiết kiệm điện

Mới đây, tại tọa đàm "Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, các chuyên gia đều đồng tình với đề xuất của Bộ Công Thương về điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện hành.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất 5 phương án bao gồm: 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc; trong đó phương án 5 bậc có 2 kịch bản. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều ý kiến lo ngại rằng khi áp dụng biểu giá cải tiến này thì mức giá điện sinh hoạt của người dân sẽ bị tăng cao, nhất là khi miền Bắc chuẩn bị bước vào thời điểm nắng nóng.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá cho hay, các phương án mà Bộ Công thương đề xuất đã tính toán kỹ nhằm mục tiêu cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, lãnh đạo Bộ đã phân tích ưu nhược điểm từng phương án để chọn phương án khả thi nhất, hợp lý nhất.

TS. Nguyễn Tiến Thỏa: “Khó kỳ vọng một biểu giá điện mà 100% người dân chấp nhận” - Ảnh 1.

Phương án 5 bậc kịch bản 1 do Bộ Công Thương đề xuất

"Tất nhiên, chúng ta khó kỳ vọng một biểu giá mà 100% người dân chấp nhận nhưng phải chấp nhận biểu giá nào mang lại lợi ích lớn, hài hòa nhất cho người tiêu dùng, ngành sản xuất điện và quản lý nhà nước. Bộ Công thương hướng tới lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1, cá nhân tôi cho rằng đó là phương án khả thi", ông Thỏa nhận định.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất về việc tại sao không chọn phương án 1 bậc giá điện duy nhất? Nói đến nội dung này, ông Thỏa cho biết, để đảm bảo đủ điện, ngành điện trong những thời gian cao điểm vẫn phải huy động những nguồn điện giá cao, như chạy dầu. Do đó, phải tạo ra các bậc thang giá điện để khuyến khích tiết kiệm và giải quyết vấn đề an sinh.

"Thứ hai là nguồn cung về điện hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu và nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới đã được đặt ra. Thứ ba, điện được sản xuất từ nguồn tài nguyên không tái tạo vẫn chiếm tỷ lệ lớn, như than, dầu khí..., có nguy cơ cạn kiệt. Đây là quy luật khan hiếm tài nguyên và càng dùng nhiều càng đắt. Do vậy, áp dụng biểu giá 5 bậc thang để khuyến khích người dân tính toán dùng điện cho hợp lý nhất" ông Thỏa phân tích.

Đồng quan điểm trên, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, giá điện bậc thang đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như một công cụ hữu hiệu để điều tiết nhu cầu sử dụng điện, như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Theo ông Long đánh giá, ưu điểm của phương án nhiều bậc thang là những hộ chính sách, hộ nghèo tiêu thụ ít được ưu đãi, còn người dùng quá nhiều điện, phần lớn là người có khả năng chi trả tốt thì nên hạn chế dùng điện cỡ hợp lý. Nếu dùng quá mức cần thiết thì phải trả tiền một số điện đắt hơn.

"Điện được coi là hàng hóa đặc biệt, quá trình sản xuất, truyền tải phân phối diễn ra đồng thời. Cơ quan điều độ khi huy động nhà máy có giá thành rẻ trước, đắt sau. Hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng giá điện bậc thang nhằm phù hợp đặc điểm và khuyến khích tiết kiệm điện", ông Long chia sẻ.

Vẫn cần thận trọng tính toán các bậc thang

Cũng tại toạ đàm các tuy đều đồng tình với phương án 5 bậc được Bộ Công Thương đưa ra nhưng các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc cần phải tính toán lại bước nhảy, khoảng cách giá giữa các bậc thang.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long cho rằng, bước nhảy giữa các bậc thang cần đảm bảo lợi ích không chỉ cho người sử dụng điện mà còn cả cho đơn vị điện lực trong sự phát triển ngành điện.

"Hiện nay, quốc tế có 2 cách tính biểu giá điện.Thứ nhất là làm sao bước nhảy giữa các bậc tương đối đồng đều như bậc thang. Thứ hai là, nếu muốn tác dụng điều tiết mạnh hơn, khuyến khích tiết kiệm điện hơn thì thiết kế bước nhảy tăng dần, các bậc sau phải trả giá cao hơn nhiều. Những nhà thiết kế biểu giá bậc thang cũng nên nghiên cứu xem xét xem kiểu gì có lợi nhất để đảm bảo lợi ích cho khách hàng và ngành điện", ông Long thông tin.

TS. Nguyễn Tiến Thỏa: “Khó kỳ vọng một biểu giá điện mà 100% người dân chấp nhận” - Ảnh 2.

Khoảng cách giữa các bậc thang vẫn là vấn đề cần tính toán cẩn trọng

Liên quan đến bước nhảy giữa các bậc thang, TS. Thỏa nhận định, phương án của Bộ Công thương đưa ra không tăng giá bình quân, các bậc thang cũng hợp lý khi 98% số hộ dùng điện được giảm.

"Tuy nhiên, bước nhảy thì đúng là phải xem xét lại. Khoảng cách giữa 2 bậc đầu tiên, bước nhảy còn cao, bước 2 so với 1 tăng 19,95%, bước 3 so với bước 2 tăng 25,94%. Chính con số này khiến việc điều chỉnh giá điện năm trước tạo ra sự nhảy vọt về tiêu thụ điện của đa số người dân.

Do đó, người dân kêu vì mức nhảy bậc cao quá. Bộ Công Thương, ngành điện cần rà soát chính xác tỷ trọng tiêu dùng điện từng bậc, những vấn đề về giá các bậc làm sao xây dựng bước nhảy hợp lý hơn. Có thể giảm bước nhảy giá của 2 bậc đó và tăng mạnh tỷ lệ này ở 2 bậc cuối. Như vậy mới tạo áp lực khuyến khích tiết kiệm điện lớn hơn. Biểu giá vừa qua cũng chưa tạo áp lực mạnh", ông Thỏa nói.

Về phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện thông tin thêm, việc cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt thực chất không phải là điều chỉnh giá điện mà chỉ xem xét lại các bậc thang giá điện sinh hoạt cho phù hợp với thực tế sử dụng điện hiện nay của các khách hàng.

Điều này không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt; đảm bảo cho khách hàng sử dụng điện có thể dễ dàng theo dõi, tính toán sản lượng điện và mức tăng vào mùa nắng nóng, không tăng đột biến.

"Hiện tại, Bộ Công Thương đã có văn bản xin ý kiến rộng rãi tới các đơn vị bao gồm các UBND tỉnh, các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng. Bộ sẽ tổng hợp ý kiến đến 10-3 và sẽ hoàn thiện phương án để trình Chính phủ xem xét, chỉ đạo trong tháng 3 này. Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thì Bộ Công thương sẽ ban hành biểu giá mới", lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho hay.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục