Sẽ không “nhẹ tay” với 755 doanh nghiệp chây ì lên sàn
Không là công ty đại chúng cũng phải lên UPCoM
Sàn UPCoM là gì, ai quản lý, nó ở đâu, doanh nghiệp muốn lên sàn này phải làm gì, không phải là công ty đại chúng có phải đưa cổ phiếu lên sàn không…?
Đó là những câu hỏi phổ biến mà các doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị phổ biến quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính phối hợp tổ chức ngày 9/10/2019.
Những câu hỏi này thể hiện nhiều doanh nghiệp không hiểu biết quy định pháp luật về nghĩa vụ của doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, nhưng cũng có thể đó là cái cớ để doanh nghiệp biện minh việc trì hoãn đưa cổ phiếu lên sàn.
Trả lời câu hỏi, doanh nghiệp không phải công ty đại chúng có phải đưa cổ phiếu lên thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) không, ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, UBCK cho biết, điều này đã được quy định rõ tại Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, đối với doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần sau ngày quyết định này có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/11/2014), thì trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Với các doanh nghiệp cổ phần hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán, sau khi thực hiện các thủ tục để đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM, trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết tại các Sở giao dịch chứng khoán theo quy định.
Trường hợp doanh nghiệp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày Quyết định 51/2014/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM và niêm yết theo quy định.
“Quy định pháp lý như vậy có nghĩa là sau cổ phần hóa, dù có là công ty đại chúng hay không thì doanh nghiệp đều phải có nghĩa vụ lên UPCoM, chứ không phải như một số cách hiểu chỉ là doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng thì mới lên UPCoM”, ông Điền nhấn mạnh.
Có doanh nghiệp hỏi, việc thúc doanh nghiệp lên UPCoM có can thiệp vào hoạt động của họ không?
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định, không hề can thiệp, vì đạo lý ở đây là nếu không lên UPCoM thì không có một đầu mối quản lý, giám sát doanh nghiệp hậu cổ phần hóa, dễ phát sinh các giao dịch không minh bạch, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông. Mặt khác, sau giao dịch, các cổ đông phải được quyền tự do chuyển nhượng cổ phiếu, nên lên UPCoM là phù hợp.
Ngoài ra, lên UPCoM sẽ giúp cho hoạt động giám sát của thị trường, cổ đông, nhà quản lý tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng quản trị - một trong những mục tiêu lớn nhất mà cơ quan quản lý nhà nước muốn hướng đến đối với doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.
Một câu hỏi khác được doanh nghiệp đặt ra là khi lên sàn UPCoM, doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng, đồng thời khả năng để trở thành loại hình công ty này không dễ, vậy tại sao lại buộc doanh nghiệp lên sàn, để rồi sau một năm không đủ điều kiện là công ty đại chúng phải làm thủ tục rút khỏi sàn, khiến doanh nghiệp tốn kém thời gian, tiền bạc?
Ông Điền thừa nhận, có tình trạng này, tuy nhiên, việc doanh nghiệp lên sàn là thực hiện cam kết với nhà đầu tư, đó là hậu cổ phần hóa doanh nghiệp phải hoạt động minh bạch, đồng thời có nơi cho họ tự do giao dịch cổ phiếu, nên dù là công ty đại chúng hay không vẫn phải đưa cổ phiếu lên sàn.
Sau 1 năm kể từ ngày lên UPCoM mà doanh nghiệp không đáp ứng tư cách công ty đại chúng phải báo cáo UBCK và tuân thủ nghĩa vụ của công ty trên UPCoM thêm một năm, sau đó không đủ điều kiện là công ty đại chúng thì mới rút khỏi sàn.
Sẽ mạnh tay xử lý vi phạm
Năm 2017, cơ quan quản lý công khai danh sách 747 doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng chưa đưa cổ phiếu lên sàn, con số này đến tháng 9/2019 tăng lên 755 doanh nghiệp.
Ông Đặng Quyết Tiến nhìn nhận, đây là bước lùi trong tổ chức triển khai thúc đẩy doanh nghiệp hậu cổ phần hóa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tập trung.
Trong số 755 doanh nghiệp nêu trên, có 154 doanh nghiệp bổ sung mới, 601 doanh nghiệp nằm trong danh sách 747 doanh nghiệp đã được công khai từ năm 2017. Hà Nội và TP.HCM là những địa phương còn nhiều doanh nghiệp hậu cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên sàn.
Theo ông Tiến, có những doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện niêm yết, nhưng sau hội nghị lần này sẽ yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo cụ thể hiện trạng, đồng thời cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra để kịp thời xử lý vi phạm.
Trước thực tế các giải pháp đưa ra tại hội nghị không có nhiều điểm mới, vẫn là tuyên truyền, giải thích pháp luật, tăng cường thanh, kiểm tra để xử lý vi phạm, nên có ý kiến quan ngại, hội nghị này lại đi vào “vết xe đổ” của các hội nghị tương tự được tổ chức trước đó, không tạo ra chuyển biến mới trong việc thúc các doanh nghiệp lên sàn.
“Về hình thức, hội nghị không khác các sự kiện tương tự, nhưng thông điệp của nhà quản lý tại sự kiện lần này rất mạnh là sẽ mạnh tay triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý các doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn. Đó không đơn thuần là xử phạt bằng tiền, mà còn nhiều giải pháp khác”, ông Tiến cho biết.
Đầu tiên, Bộ Tài chính sẽ có báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng sớm công khai danh tính 755 doanh nghiệp không tuân thủ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn.
Cùng với đó là thông điệp mạnh mẽ rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bị kết luận là vi phạm pháp luật sẽ khiến doanh nghiệp mất uy tín trong con mắt nhà đầu tư, cổ đông.
Bên cạnh đó, khi cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đánh giá, xếp loại, doanh nghiệp sẽ không được xếp loại tốt, ảnh hưởng đến lương, thưởng của cán bộ, nhân viên. Ngoài ra, cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng sẽ bị xử lý trách nhiệm.
Thứ hai, Bộ Tài chính, UBCK sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường triển khai các hoạt động kiểm tra tại doanh nghiệp, để kịp thời phát hiện vi phạm và xử phạt.
Liên quan đến giải pháp này, ông Điền cho hay, tuy khung hình phạt tiền với doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn tối đa là 400 triệu đồng, nhưng trên thực tế, có những doanh nghiệp bị xử phạt cao hơn mức này, thậm chí bị phạt 520 triệu đồng.
Nguyên nhân là qua kiểm tra, ngoài phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn, họ còn vi phạm về nghĩa vụ đăng ký công ký đại chúng, công bố thông tin…
“Bản thân nhà quản lý không muốn xử phạt, nhưng sau nhiều năm tuyên truyền, thuyết phục, nay là thời điểm nhà quản lý mạnh tay xử phạt, đồng thời công khai ra thị trường”, ông Điền nói.
Thứ ba, trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, UBCK, Cục Tài chính doanh nghiệp sẽ sửa đổi, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sớm bổ sung cơ chế mới, để tháo gỡ một số khó khăn cho doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn.