Số dư Quỹ Bình ổn chỉ còn hơn 800 tỷ đồng, lấy gì kìm giá xăng dầu?
Cụ thể, Quỹ BOG trong quý III/2021 (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/9/2021) tổng số trích là 502,284 tỷ đồng, tổng số sử dụng là 802,947 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý III là 1,844 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong quý III là 14 triệu đồng.
Trước đó, số dư Quỹ BOG đến hết quý II/2021, đến hết ngày 30/6 là 1.122,920 tỷ đồng; số dư Quỹ BOG đến hết quý I/2021 đến hết ngày 31/3 là 5.340,068 tỷ đồng.
Số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2020 là 9.234,614 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, việc công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG quý III/2021 là thực hiện theo nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, sở dĩ quỹ bình ổn giá mặt hàng này liên tục giảm mạnh kể từ đầu năm 2021 đến nay vì liên tục tăng chi mạnh để bình ổn giá xăng dầu bán lẻ.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu bình quân thế giới tăng 59 - 76% và Liên bộ đã sử dụng quỹ giá xăng dầu để hạn chế mức trong nước, vì vậy giá sản phẩm này trong nước tăng thấp hơn với mức 40,23% đến gần 53%...
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu đã được điều chỉnh từ 15 giờ ngày 10/11. Sau khi điều chỉnh giá, giá bán xăng E5 RON 92 là 23.669 đồng/lít, xăng RON 95-III là 24.996 đồng/lít, dầu diesel 0.05S là 18.716 đồng/lít, dầu hỏa là 17.637 đồng/lít.
Đây là lần thứ 5 liên tiếp giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh tăng. Hiện tại, giá xăng trong nước đang ở mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Còn nếu tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 19 đợt. Tháng 10/2021, giá xăng, dầu trong nước chịu ảnh hưởng của 3 đợt điều chỉnh tăng vào ngày 25/9, 11/10 và 26/10 và tháng 11 điều chỉnh tăng 1 lần theo giá nhiên liệu thế giới.
Được biết, trước đó, đề cập tới giá xăng dầu trong thông báo kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo giá do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, Chính phủ cho rằng, áp lực lớn khi điều hành giá trong nước cuối năm nay và cả năm 2022 khi giá năng lượng toàn cầu ở mức cao, biến động khó lường. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính điều hành linh hoạt theo diễn biến giá thế giới. Việc tính toán mức trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn cũng cần linh hoạt, hợp lý để tạo dư địa cho điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán và tạo đà kiểm soát giá năm 2022.
"Giữ bình ổn mặt bằng giá xăng dầu vừa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", thông báo kết luận của Chính phủ nêu.
Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu sắp tới (25/11), nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết, với diễn biến giá xăng dầu thế giới những ngày qua, giá xăng dầu trong nước có thể giảm nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Theo dự báo của cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nguồn cung dầu thô toàn cầu những ngày qua đã tăng - điều này có thể hãm mức cao kỷ lục của giá xăng.