"Soi" cách dùng tiền tại Taseco Land của ông Phạm Ngọc Thanh
Như Etime đưa thông tin, Taseco Land là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Khu đô thị mới Mê Linh tại xã Mê Linh và xã Văn Khê, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. có tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng ở Mê Linh, Hà Nội theo thông báo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội.
Nợ nghìn tỷ nhưng Taseco Land vẫn "bơm" tiền cho công ty mẹ
Dữ liệu Etime cho thấy, CTCP Bất động sản Taseco tiền thân là CTCP Đầu tư Bất động sản An Bình, được thành lập năm 2009 với hoạt động cốt lõi là đầu tư, kinh doanh và phát triển bất động sản.
Năm 2013, Taseco Land chính thức là thành viên của CTCP Dịch vụ Hàng không Thăng Long (nay là CTCP Tập đoàn Taseco - Taseco Group). Sau đó, doanh nghiệp đổi tên thành CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco.
Một số dự án lớn khác gắn với tên tuổi của Taseco Land có thể kể đến như: An Bình Complex; Taseco Complex; Phú Mỹ Complex tại Khu ngoại giao đoàn; dự án Khu nhà ở thấp tầng tại Khu đô thị mới Nam An Khánh; dự án Khu đô thị Dệt may Nam Định; dự án Khu đô thị kết hợp công viên cây xanh Green Park Móng Cái; dự án căn hộ - khách sạn Alacarte Oceanview Đà Nẵng tại TP. Đà Nẵng...
Sau khi tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, Taseco Land nhận toàn bộ lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, phát triển bất động sản của Taseco Group và các thành viên trong hệ thống để tiếp tục triển khai, thực hiện.
Tại ngày 30/9/2024, Taseco Group là cổ đông lớn nhất khi sở hữu 72,49% vốn Taseco Land (tương đương 2.153 tỷ đồng). Điều đó có nghĩa Taseco Group đã góp 2.153 tỷ đồng vào Taseco Land.
Ở chiều ngược lại, Taseco Land "bơm tiền" cho Taseco Group trong nhiều năm liền, dù doanh nghiệp này vẫn phải "gánh" khối nợ hàng nghìn tỷ, phải cầm cố nhiều dự án để đi vay.
Tính đến cuối quý III/2024, doanh nghiệp nợ tài chính hơn 3.764 tỷ đồng, trong đó: 846,6 tỷ đồng vay ngắn hạn và 2.917 tỷ đồng vay dài hạn. Doanh nghiệp này đã chi hơn 117 tỷ đồng tiền lãi vay trong 9 tháng đầu năm.
Theo thuyết minh của doanh nghiệp, phần lớn các khoản vay này đều được thế chấp bằng các quyền tài sản phát sinh từ/liên quan đến các dự án chủ chốt của Taseco Land như Dự án N01-T6 khu Đoàn Ngoại giao (tồn kho ghi nhận 13,57 tỷ đồng); Dự án nhà ở cao tầng A3/CT2 Long Biên (tồn kho ghi nhận 871 tỷ đồng);...
Hồi cuối năm 2023, 2022 và 2021, Taseco Land đã cho vay Taseco Group số tiền lần lượt là 358 tỷ đồng, 651 tỷ đồng và 356 tỷ đồng.
Trong đó, phải kể đến năm 2022 - thời điểm Taseco Land "bơm vốn" cho "mẹ" nhiều nhất. Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, Taseco cho vay 651 tỷ đồng đối với Taseco Group. Cùng với đó, Taseco Land ghi nhận khoản mục nợ phải trả lên tới 4.059 tỷ đồng, tăng 450 tỷ đồng, tương đương 12,5% so với cuối năm 2021. Trong đó, vay ngắn hạn tăng 742 tỷ đồng lên 939 tỷ đồng.
Vay ngắn hạn tăng cao khiến nợ ngắn hạn của Taseco Land cũng tăng vọt lên 3.577 tỷ đồng, tương ứng tăng 45% so với cuối năm 2021.
Dữ liệu báo cáo tài chính cho thấy, tại thời điểm này, tài sản ngắn hạn và hàng tồn kho lần lượt là 4.165 tỷ đồng và 2.440 tỷ đồng. Như vậy, hệ số khả năng thanh toán nhanh (tài sản ngắn hạn - hàng tồn kho/nợ ngắn hạn) của Taseco Land tại thời điểm đó chỉ là 0,482. Theo lý thuyết, hệ số này phản ánh mức độ đáp ứng nợ ngắn hạn bằng tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp. Tức là với lượng tiền và tương đương tiền hiện có, doanh nghiệp có đảm bảo khả năng thanh toán tức thời (thanh toán ngay) các khoản nợ ngắn hạn hay không. Những doanh nghiệp có hệ số thanh khoản nhanh nhỏ hơn 0,5 phản ánh doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả, tính thanh khoản thấp.
Trước đó, hồi cuối năm 2021, hệ số thanh toán nhanh của Taseco Land của Taseco Land lớn hơn 0,5 khi đạt 0,7. Có thể thấy, thanh khoản của Taseco Land đã "sụt giảm" sau khi tăng thêm khoản "bơm tiền" cho công ty mẹ.
Dữ liệu báo cáo tài chính cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, Taseco Land đã thu hồi gốc vay 560,5 tỷ đồng từ Taseco Group, qua đó, khoản phải thu về cho vay với Taseco Group giảm xuống 0 đồng.
Tuy vậy, tại thời điểm cuối quý III/2024, Taseco Land vẫn ghi nhận phải thu lãi cho vay ngắn hạn gần 122 tỷ đồng và phải thu lãi cho vay dài hạn 10,7 tỷ đồng với công ty mẹ. Cùng với đó là hệ số khả năng thanh toán nhanh của Taseco Land tăng lên 0,64 (cuối quý III/2024).
Taseco Land của ông Phạm Ngọc Thanh cho lãnh đạo công ty vay tiền
CTCP Tập đoàn Taseco (Taseco Group) được thành lập năm 2005, tiền thân là CTCP Dịch vụ hàng không Thăng Long. Trụ sở chính tại tầng 1, tòa nhà N02-T1, Khu Đoàn Ngoại Giao, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Hiện, ông Phạm Ngọc Thanh đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT. Còn ông Nguyễn Minh Hải đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Taseco Group.
Tại thời điểm tháng 11/2016, Taseco Group có vốn điều lệ 250 tỷ đồng với 8 cổ đông, bao gồm: Ông Phạm Ngọc Thanh sở hữu 22% vốn; ông Nguyễn Minh Hải sở hữu 14,5% vốn; bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt sở hữu 6% vốn; ông Phạm Thanh Kỳ sở hữu 10% vốn; ông Nguyễn Thanh Sơn sở hữu 1% vốn; bà Nguyễn Thị Ánh, bà Lê Thị Xuân Hoa và bà Nguyễn Thị Hoàng Sa.
Theo cập nhật đăng ký kinh doanh thời điểm tháng 9/2018, ông Phạm Ngọc Thanh sở hữu 17% cổ phần Taseco Group. Trong giai đoạn 2016-2018, công ty nhiều lần tăng vốn điều lệ. Đến tháng 12/2019, Taseco Group có vốn điều lệ 900,9 tỷ đồng.
Nhắc về Taseco Group, bên cạnh Taseco Land, Taseco Group còn sở hữu một công ty con khác đang niêm yết trên sàn chứng khoán là Taseco Airs (HoSE: AST).
Taseco Airs sở hữu chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng bách hóa lưu niệm; nhà hàng, café, fastfood; phòng chờ hạng thương gia; dịch vụ quảng cáo, du lịch, viễn thông; hàng miễn thuế; sản xuất suất ăn hàng không và khách sạn. Ngoài ra, ATaseco Airs cũng sở hữu khách sạn À La Carte tọa lạc tại bãi biển Mỹ Khê, thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra, Taseco Group còn một số pháp nhân là công ty con, công ty liên kết như: CTCP Đầu tư TAH, CTCP Alacarte Hạ Long, Công ty VinaCS, Công ty Vinconstec, công ty Taseco Oceanview, Taseco Media, CTCP Đầu tư bất động sản Phú Mỹ (PHUMY LAND)...
Điều đáng nói, Taseco Land không chỉ "bơm" tiền cho Taseco Group mà còn ghi nhận những khoản cho vay đối với thành viên trong hệ sinh thái và lãnh đạo cấp cao, trong đó có cả ông Phạm Ngọc Thanh.
Cụ thể, tại BCTC hợp nhất năm 2023 của Taseco Land được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam ghi nhận, tại hồi đầu năm 2023, Taseco Land cho ông Phạm Ngọc Thanh vay 15 tỷ đồng.
Hay như niên độ 2023, Taseco Land đã thu hồi cho vay Taseco Đà Nẵng số tiền 8 tỷ đồng; cho Công ty Vinconstec - Công ty có cùng thành viên chủ chốt vay 220 triệu đồng.
Cũng trong năm này, Taseco Land còn là "nhà cung tiền" cho các lãnh đạo cấp cao như: Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Tổng giám đốc vay 35,1 tỷ đồng; cho ông Vũ Quốc Huy - Phó Tổng giám đốc vay gần 29 tỷ đồng.
Tại Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, Taseco Land ghi nhận loạt giao dịch cho vay đối với các công ty cùng Tập đoàn như CTCP Alacarte Hạ Long 74 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Du lịch Nghỉ dưỡng Taseco Đà Nẵng 500 triệu đồng; CTCP Đầu tư TAH 18 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Phát triển Hồ Tây 146,1 tỷ đồng;...
Ngoài ra còn có giao dịch vay, cho vay đối với CTCP Taseco Invest 304,5 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Bất động sản Phú Mỹ 48,9 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Dịch vụ Yên Bình 11,5 tỷ đồng;... Đây đều là các công ty con hoặc tổ chức có liên quan đến người nội bộ, cổ đông lớn, người có liên quan đến người nội bộ của Taseco Land.
Gần nhất, trong niên độ tài chính kết thúc ngày 30/9/2024, Taseco Land cho Công ty Phát triển Hồ Tây - Công ty có cùng thành viên chủ chốt vay 77 tỷ đồng, thu hồi vay 30,8 tỷ đồng và thu về lãi cho vay 1,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại thời điểm 30/9/2024, Taseco Land có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn với Công ty Đầu tư Phát triển Hồ Tây - Công ty có cùng thành viên chủ chốt 75,7 tỷ đồng.