Sửa Luật Xây dựng: Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, chống xin-cho
Theo Bộ Xây dựng, việc cấp giấy phép xây dựng đối với một số trường hợp còn rườm rà, bất cập, không thực sự phù hợp với thực tiễn, thời gian cấp giấy phép xây dựng vẫn còn dài. Một số trường hợp, cơ quan chuyên môn phải hướng dẫn nhiều lần để hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép xây dựng, tốn kém về thời gian và chi phí.
Một trong những lý do được Bộ Xây dựng đưa ra là các quy định pháp luật về thẩm quyền, đối tượng, điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng chậm được hoàn thiện và chưa thực sự phù hợp với thực tế.
Bộ Xây dựng đề xuất phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp đặc biệt.
Bộ này lấy ví dụ, quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng có thời hạn phải “phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt” là không khả thi; việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình đã có quy hoạch, đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế là không cần thiết…
Cũng theo Bộ Xây dựng, các nội dung thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng có một số điểm trùng lặp như: xem xét phù hợp quy hoạch, đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, đánh giá về an toàn công trình, năng lực hoạt động xây dựng của đơn vị tư vấn thiết kế, sự tuân thủ quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Việc phân công, phân cấp trong hoạt động đầu tư xây dựng còn chưa phù hợp, chưa tương xứng với điều kiện, năng lực thực hiện của các chủ thể. Quy định về phân cấp thẩm quyền chưa gắn liền với quy định trách nhiệm và các chế tài xử lý.
Do đó, trong dự thảo Luật đang được xây dựng, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo hướng làm rõ các bước thiết kế cần thẩm định, phê duyệt; giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng đối với công trình sử dụng vốn khác.
Cụ thể, giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thông qua việc chỉ thẩm định đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công, công trình sử dụng vốn doanh nghiệp nhà nước, công trình thực hiện theo hình thức hợp đồng đối tác công tư có quy mô lớn hoặc ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng; đồng thời, để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, các công trình này không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng.
Cùng với đó, thực hiện tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với công trình sử dụng vốn khác có quy mô lớn hoặc ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng thuộc khu vực không yêu cầu lập quy hoạch xây dựng vào thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng vì: các công trình này thuộc khu vực không yêu cầu lập quy hoạch xây dựng mà chỉ yêu cầu lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành nên không có nhiều yếu tố để xem xét tại cơ quan cấp giấy phép xây dựng (Sở Xây dựng) song vẫn cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố về an toàn, môi trường,.... Do vậy, việc kiểm soát các công trình này thông qua thẩm định thiết kế xây dựng và không yêu cầu cấp giấy phép xây dựng là phù hợp.
Đối với các dự án còn lại, Bộ đề xuất phân quyền cho chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng, đẩy mạnh vai trò chuyên môn của đơn vị tư vấn thẩm tra để phục vụ công tác thẩm định và phê duyệt của chủ đầu tư.
Cũng tại dự thảo, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp giấy phép xây dựng theo hướng rà soát đối tượng công trình được miễn giấy phép xây dựng cho phù hợp với việc tích hợp nói trên; mở rộng đối tượng công trình được cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn; đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng; tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình cấp đặc biệt của Bộ Xây dựng cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng; xử lý vướng mắc về việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình đang trong quá trình xử lý vi phạm hành chính...
Bộ Xây dựng giải thích, theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và các cơ quan này có trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng tại địa phương. Như vậy, việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp đặc biệt là bảo đảm đồng bộ với thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết và quản lý trật tự xây dựng.
Dự thảo Luật đã được hoàn thiện theo hướng phân cấp cụ thể thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; đồng thời, quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền việc cấp giấy phép xây dựng cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này để tạo chủ động cho địa phương và phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.